Không đồng ý cho thi hành án hợp đồng công chứng

Tại phiên họp Thường vụ QH chiều 18-9, nhiều quy định mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công chứng đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện gay gắt.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự thảo có những điểm mới: Giao lại cho công chứng viên (CCV) nhiệm vụ công chứng bản dịch; các bên ký kết hợp đồng công chứng được thỏa thuận về quyền yêu cầu cơ quan thi hành án (THA) dân sự tổ chức thi hành hợp đồng đó, trừ trường hợp có tranh chấp và tòa án đã tiến hành thụ lý, giải quyết; nâng cao tiêu chuẩn CCV (CCV chỉ được hành nghề đến 65 tuổi, tăng thời gian đào tạo nghề công chứng từ sáu tháng lên 12 tháng…).

Dự thảo cũng bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý để tổ chức hành nghề công chứng thay mặt người yêu cầu công chứng đi nộp thuế, phí, lệ phí, đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tổ chức hành nghề công chứng cũng có quyền cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cần cân nhắc lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng (hoàn thành chuyển đổi các phòng công chứng - đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp - thành văn phòng công chứng - hoạt động theo Luật Doanh nghiệp vào trước năm 2020) vì đây là hoạt động đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Ông Lý cũng cho biết nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng việc chuyển giao trách nhiệm chứng thực bản dịch từ phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện sang các tổ chức hành nghề công chứng cũng khó có thể bảo đảm chất lượng các bản dịch được công chứng sẽ tốt hơn. Vì bản chất của vấn đề phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ dịch thuật viên. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng không tán thành mở rộng thẩm quyền cho công chứng vì lo ngại “dễ lạm quyền công chứng hợp đồng không xác thực, gây rối loạn xã hội”.

Riêng đối với quy định về quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự tổ chức thi hành hợp đồng đã được công chứng, Ủy ban Pháp luật cho rằng không phù hợp với nhiều quy định hiện hành của pháp luật về dân sự, THA dân sự.

Ông Hiện cũng phân tích: Luật THA dân sự chỉ quy định việc THA đối với bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án, quyết định của trọng tài thương mại và quyết định của hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chứ không có quy định về thi hành hợp đồng dân sự. Thực tiễn vừa qua cũng đã xuất hiện khá nhiều trường hợp các bên sử dụng hợp đồng công chứng để hợp thức hóa hoặc che giấu các giao dịch thực tế khác mà CCV khó có thể phát hiện được.

“Nếu cơ quan THA dân sự chỉ căn cứ vào nội dung đã được công chứng để thi hành thì có khả năng thi hành sai hoặc khó khắc phục hậu quả trong trường hợp các bên có tranh chấp và yêu cầu tòa án xét xử sau đó, làm phức tạp thêm các quan hệ dân sự trong xã hội. Trong trường hợp việc cưỡng chế phát sinh từ một hợp đồng công chứng sai hoặc giả mạo thì hậu quả pháp lý sẽ không chỉ giới hạn trong trách nhiệm bồi thường của CCV mà còn là trách nhiệm của cả cơ quan đã tổ chức thi hành hợp đồng đã được công chứng đó” - ông Hiện cảnh báo.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm