Không để “dưỡng liêm” thành đặc quyền, đặc lợi

Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 46 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính vừa ban hành, từ 1-5 sắp tới những cán bộ, công chức (CBCC) làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân cũng được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm với mức từ 50.000-80.000-100.000 đồng/ngày/người.

Như vậy, nếu tiếp dân liên tục đủ 22 ngày làm việc, mức cao nhất mỗi CBCC được hưởng là 2,2 triệu đồng/người/tháng, ít nhất là 1,1 triệu đồng/người/tháng. So với mức lương CBCC bình thường mới tốt nghiệp ĐH (bậc 2,34 theo mức cơ bản 830.000 đồng) thì đây là một khoản “đáng nể”! Đáng lưu ý ở chỗ, kể cả CSGT đứng chốt ở Đà Nẵng hay cán bộ tiếp dân, theo quy định mới nói trên đều được hưởng khoản “dưỡng liêm” này mà không cần những tiêu chí đánh giá cụ thể về mức liêm chính tối thiểu cần đạt.

Điều này đã khiến cho một bộ phận người dân không hài lòng, bởi đã nói đến một quyền lợi đặc thù thì phải nói đến một nghĩa vụ tương ứng khi mà bản thân tiền lương của CBCC cũng xuất phát từ tiền thuế của dân, mà chính sách “bốn không” của Singapore là một cơ chế ràng buộc lý tưởng.

Một trong bốn chính sách đó là “Không dám tham nhũng”: Chính phủ quy định hằng tháng CBCC phải trích một tỉ lệ tiền lương để gửi vào quỹ tiết kiệm. Khởi đầu là 5%, sau đó tăng dần theo tỉ lệ tăng lương. Quan chức có chức vụ càng cao, thì tỉ lệ % trích gửi tiết kiệm càng cao. Số tiền đó do Nhà nước quản lý. Khi nghỉ hưu, số tiền tiết kiệm nói trên mới thuộc quyền sở hữu của CBCC, còn nếu họ phạm tội tham nhũng, dù chỉ bị xử lý hành chính, buộc thôi việc thì toàn bộ số tiền này sẽ bị trưng thu. Quan chức có mức lương càng cao thì số tiền bị trưng thu càng lớn!

Cùng với đó là các chính sách “Không thể tham nhũng”; “Không cần phải tham nhũng”; và “Không được tham nhũng” khiến cho Singapore có một đội ngũ CBCC trong sạch và trở thành một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới.

Những nỗ lực vừa qua của các bộ, ngành và địa phương trong tạo cơ chế “dưỡng liêm” cho những CBCC đang làm các công việc “nhạy cảm” là rất đáng quý, đáng hoan nghênh, song nếu thiếu cơ chế ràng buộc nghĩa vụ thì rất có thể sẽ trở thành một dạng “đặc quyền, đặc lợi”.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm