Không công khai bí mật kinh doanh trong kết luận thanh tra

Luật Thanh tra năm 2011 có một số nội dung mới so với luật cũ như kế hoạch thanh tra phải được công khai; chánh thanh tra các cấp được quyền ra quyết định thanh tra đột xuất nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định đó; kết luận thanh tra phải được công khai sau 10 ngày kể từ ngày ký kết luận…

Đại diện tỉnh Bình Định cho rằng chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền ra quyết định thanh tra đối với những cơ quan của trung ương đóng trên địa bàn thì có phải phối hợp với các cơ quan của trung ương không; phạm vi thanh tra những cơ quan này có giống cơ quan thuộc tỉnh? TS Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, trả lời: Phạm vi thanh tra đối với các cơ quan trung ương không giống cơ quan thuộc tỉnh; cơ quan thanh tra tỉnh khi tiến hành thanh tra được làm những việc theo đúng thẩm quyền mà không cần phải phối hợp.

Đại diện TP Hải Phòng đặt vấn đề: Nếu việc thanh tra đột xuất không thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có xử lý trách nhiệm của chánh thanh tra? Nếu kết luận thanh tra liên quan đến bí mật đơn vị như quy mô, công nghệ, số liệu thống kê… thì được công khai đến đâu? Theo ông Lượng, khi có đủ căn cứ để tiến hành cuộc thanh tra theo đúng pháp luật, chánh thanh tra không phải chịu trách nhiệm. Bí mật công nghệ, bí mật trong sản xuất kinh doanh được Nhà nước bảo hộ, do đó kết luận thanh tra được công khai những thông tin không liên quan đến bí mật nhà nước và bí mật về công nghệ, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số ý kiến cũng đặt vấn đề về bổ nhiệm thanh tra viên xây dựng ở xã, phường. Theo ông Lượng, Luật Thanh tra không quy định về thanh tra xây dựng nên không thể bổ nhiệm thanh tra viên ở xã, phường vì không có tổ chức thanh tra ở cấp đó.

N.NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm