DỰ THẢO HIẾN PHÁP - BẢN LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN

Không còn quy định thành phần kinh tế chủ đạo

Ngày 2-1-2013, Dự thảo Hiến pháp (HP) sửa đổi - bản lấy ý kiến nhân dân sẽ được công bố rộng rãi trên các báo, trang điện tử. Việc tổ chức lấy ý kiến sẽ được triển khai trong ba tháng, kết thúc ngày 31-3. Dự thảo này có hai điểm khác lớn so với bản trình QH kỳ họp vừa qua. Theo đó, xuất hiện một điều khoản về Hội đồng HP như một thiết chế bảo hiến và điều khoản về chế độ kinh tế không còn nói “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Thông tin này được nêu tại buổi họp báo chiều 29-12 giới thiệu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về HP sửa đổi.

Quy định ngắn gọn

Giải thích rõ hơn về điểm mới này, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, Phó Trưởng ban Biên tập dự thảo HP sửa đổi, cho biết Điều 54 dự thảo chỉ quy định chung: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

Quy định như vậy ngắn gọn hơn, bớt đi việc tranh luận có nên thể hiện sự phân biệt đối xử các thành phần kinh tế như dự thảo HP trình QH tại kỳ họp vừa qua. Dự thảo ấy, tại Điều 55 viết dài hơn, có thêm đoạn: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển” (được trích dẫn từ Cương lĩnh của Đảng).

Không còn quy định thành phần kinh tế chủ đạo ảnh 1

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được công bố vào ngày 2-1-2013 để lấy ý kiến nhân dân trong vòng ba tháng (kết thúc ngày 31-3-2013). Ảnh: NGHĨA NHÂN

Cũng về dự thảo mới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý - Trưởng ban Biên tập cho biết bản dự thảo HP lấy ý kiến cũng không còn những điều khoản thể hiện nhiều phương án lựa chọn như bản trình xin ý kiến QH. “HP là đạo luật cơ bản, quy định rất nhiều nội dung và mỗi nội dung đều có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau từ rất nhiều tổ chức, chuyên gia, đại biểu QH... Qua tổng hợp, tiếp thu, Ủy ban Dự thảo đã thể hiện lại thành dự thảo chính thức để xin ý kiến nhân dân. Đây là dự thảo thể hiện chính kiến của Ủy ban Dự thảo nên mỗi vấn đề cụ thể chỉ để một phương án” - ông Lý cho hay.

Tuy nhiên, ông Lý cũng khẳng định công bố một phương án không có nghĩa là đợt góp ý tới không được thảo luận các phương án khác, đề xuất khác. “Ủy ban Dự thảo muốn nhân dân góp ý nhiều hơn. Nếu nhân dân có nhiều ý kiến khác với dự thảo thì Ủy ban sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm” - ông Lý nói.

Không có vùng cấm khi góp ý

Trước những băn khoăn là liệu có thể góp ý về vai trò lãnh đạo của Đảng, ông Lý khẳng định: “HP 1992 đã có một điều quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng. Dự thảo sửa đổi có bổ sung một vài ý. Đây cũng chỉ là một nội dung như nhiều nội dung khác mà nhân dân hoàn toàn có quyền góp ý, bày tỏ nguyện vọng của mình. Tất cả sẽ được lắng nghe, tiếp thu, giải trình đầy đủ”.

Về cách thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nghị quyết của QH yêu cầu Ủy ban Dự thảo ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến; tổ chức hội nghị lấy ý kiến. Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng và các ban của Đảng tổ chức các cuộc thảo luận, lấy kiến, tổng hợp thành báo cáo của ngành, đơn vị mình. Ở các tỉnh, TP thì HĐND chịu trách nhiệm tổ chức họp chuyên đề thảo luận, tổng hợp báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của địa phương mình. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia góp ý, lấy ý kiến các tổ chức xã hội, ý kiến của đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các tôn giáo và người VN định cư ở nước ngoài.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm