Khó cấm đoán và xử phạt hôn nhân đồng giới

Nhiều ý kiến tỏ ra tán thành với việc quy định các nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính, vì đây là một thực tế “có cấm đoán và xử lý hành chính cũng không được”.

Dự thảo sửa đổi quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thành “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa họ. “Mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình đã tổ chức công khai lễ cưới. Cơ quan nhà nước đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này. Việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện nay không còn phù hợp, cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay.

Một quy định khác cũng được nhiều đại biểu góp ý là quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo Bộ Tư pháp, quy định như vậy là giải pháp mang tính nhân văn, nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tán thành với quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị cần xác định rõ ranh giới giữa “nhân đạo” và “thương mại”. “Nếu vi phạm thì chế tài xử lý thế nào, quy định trong luật nào?” - bà Thúy thắc mắc.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng bày tỏ sự băn khoăn nếu xảy ra tranh chấp giữa người mang thai hộ và người mẹ thì giải quyết thế nào?

THÀNH VĂN

Dàn trải, trùng lắp trong xóa đói giảm nghèo

Tại phiên giải trình trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo ngày 24-9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho hay những năm qua nguồn lực của Nhà nước dành cho mục tiêu giảm nghèo rất lớn, chủ yếu tập trung cho các vùng nông thôn, miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nhờ đó mà tỉ lệ hộ nghèo từ con số 58% (năm 1993) nay giảm xuống còn khoảng 7,8%.

Tuy nhiên, bà Chuyền cũng nhìn nhận chính sách giảm nghèo hiện nay còn bị dàn trải, trùng lắp, lồng ghép nên hiệu quả đạt được chưa cao. Do đó, thời gian tới cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm