Khi nào “giải mật” danh tính người tố cáo?

Phóng viên xin trở lại với qui trình này, được qui định cụ thể tại Thông tư số 01/2009 của Thanh tra Chính phủ.
 
Thông tư nêu rõ việc xác định đơn tố cáo có mạo tên hay không là việc khó hơn nhưng nhất thiết phải thực hiện trước khi bước vào qui trình thụ lý, giải quyết. Theo qui định tại Điều 38 nghị định 136/2006/NĐ-CP, đơn tố cáo mạo tên không được xem xét, giải quyết. Trên thực tế, có trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã thụ lý tố cáo, ban hành quyết định xác minh tố cáo gửi lên các cơ quan liên quan và người bị tố cáo nhưng khi tiến hành làm việc mới phát hiện đó là đơn tố cáo mạo tên nên lại phải thực hiện thủ tục đình chỉ việc xác minh. Nguyên tắc cơ bản khi tiến hành giải quyết tố cáo là phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời, thận trọng, đúng nội dung, đối tượng, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, cần ngăn chặn hoặc phát hiện việc người tố cáo bị đe doạ, trả thù thì trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của mình, người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức được giao xác minh tố cáo phải thực hiện theo thẩm quyền hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm. Thời hạn giải quyết tính từ ngày thụ lý.
 
Thực tế vừa qua có một số văn bản xuất hiện ở những thời điểm khác nhau trong giai đoạn đầu của quá trình và dễ hiểu là văn bản thụ lý. Đó là văn bản giao nhiệm vụ của người giải quyết tố cáo hoặc văn bản quyết định về việc xác minh tố cáo của cơ quan được giao xác minh tố cáo hoặc văn bản thông báo cho người tố cáo biết về việc tố cáo đã được thụ lý giải quyết.

Thông tư 01 quy định rõ, đối với tố cáo thuộc thẩm quyền, người giải quyết tố cáo phải thụ lý trong thời hạn 10 ngày và ra thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về thời điểm này. Người giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định xác minh tố cáo, thành lập tổ xác minh hoặc đoàn xác minh tố cáo. Trong trường hợp cần thiết, người giải quyết tố cáo giao nhiệm vụ cho thủ trưởng cơ quan thanh tra Nhà nước hoặc thủ trưởng các cơ quan khác thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình ban hành quyết định xác minh tố cáo, kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo. Người ra quyết định về tố cáo khi cần thiết có thể tổ chức làm việc trực tiếp với người tố cáo trước khi ban hành quyết định xác minh tố cáo. Trưởng đoàn xác minh có trách nhiệm giao quyết định xác minh tố cáo cho người bị tố cáo chậm nhất là 15 ngày kể từ khi ban hành quyết định xác minh.
 
Người đi xác minh tố cáo phải làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, đưa ra những nội dung cụ thể để người bị tố cáo giải trình bằng văn bản, tài liệu, bằng chứng, thông tin đến khi nội dung tố cáo rõ... Làm việc trực tiếp với người tố cáo cũng có ý nghĩa quan trọng như làm việc với người bị tố cáo. Người xác minh phải làm việc với người tố cáo để làm rõ về những nội dung tố cáo, đồng thời yêu cầu người tố cáo cung cấp các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan. Nội dung làm việc cũng phải lập thành biên bản, có chữ ký của người tố cáo, người xác minh. Trong trường hợp không thể làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan hay do người tố cáo có yêu cầu hoặc vì lý do bảo vệ người tố cáo, người ra quyết định xác minh phải có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng.
 
Tương tự, việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng phải được thực hiện bằng văn bản. Các nội dung xác minh tố cáo cũng phải lập thành biên bản, có chữ ký của người xác minh và xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu và giao một bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin. Khi tiếp nhận tài liệu, bằng chứng do người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp trực tiếp thì người tiếp nhận phải lập giấy biên nhận. Đặc biệt, phải xác định rõ nguồn tài liệu. Nếu không thu thập bản chính thì khi thu thập bản sao, người tiếp nhận phải đối chiếu với bản chính hoặc ghi rõ tình trạng của tài liệu khi tiếp nhận (nếu tài liệu quá rách, cũ, mất trang, mất chữ). Căn cứ kế hoạch, trưởng đoàn xác minh tổ chức việc xác minh thực tế ở những điểm cần thiết. Việc xác minh này cũng phải lập thành biên bản...
 
Ngay sau khi có kết luận về nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải căn cứ kết quả xác minh để xử lý. Trong trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức, người bị tố cáo chiếm đoạt hoặc gây thất thoát thì phải ban hành quyết định thu hồi. Nếu kết luận về hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các qui định thuộc thẩm quyền thì tiến hành các thủ tục theo qui định để ban hành quyết định xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khác, buộc khắc phục hậu quả.

Trường hợp đã có kết luận về hành vi vi phạm pháp luật mà không thuộc thẩm quyền của người giải quyết tố cáo thì ban hành quyết định giao nhiệm vụ xử lý vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc ban hành văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm. Trường hợp đã có kết luận về việc người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật thì người giải quyết tố cáo phải có biện pháp xử lý người tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo qui định của pháp luật.
 
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết, thời gian “giải mật” danh tính người tố cáo, xử lý nội dung tố cáo liên quan đến tài liệu mật và kết quả xử lý khi người tố cáo đúng đòi hỏi được khen thưởng… là những vấn đề khiến người làm công tác giải quyết tố cáo còn lúng túng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đối với nội dung tố cáo sai sự thật, thời điểm công khai kết luận và kiến nghị xử lý người tố cáo sai chính là thời điểm “giải mật” danh tính người tố cáo.

Đối với nội dung tố cáo liên quan đến tài liệu mật, ông Hùng khẳng định, nếu người tố cáo gửi tài liệu mật đến cơ quan không có thẩm quyền biết loại tài liệu này sẽ cấu thành “lỗi” cố ý phát tán tài liệu mật. Nếu sử dụng tài liệu mật vì mục đích cá nhân thì xem xét theo góc độ chiếm đoạt tài liệu mật. Tất cả các hành vi này đều phải xử lý. Một vấn đề khác cũng xuất hiện khá nhiều khi giải quyết tố cáo theo ông Hùng là người tố cáo xin rút đơn. Dù pháp luật chưa qui định về cơ chế rút đơn tố cáo, song trên thực tế, nếu người tố cáo thừa nhận do nhận thức không đúng, không đầy đủ nên tự nhận thấy nội dung tố cáo là không đúng và rút đơn để tránh khung xử lý tố cáo sai sự thật thì cơ quan giải quyết cũng nên chấp nhận bằng biên bản để tố cáo rút đơn.

Theo Đan Quế (báo Thanh Tra)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm