Huy động chuyên gia trong nhiều lĩnh vực vào sửa hiến pháp

Thành viên Ban biên tập Sửa đổi hiến pháp đều là các chuyên gia pháp lý, kinh tế, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có học hàm, học vị cao, từng tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu. Các chuyên gia đến từ TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, có thể kể đến PGS-TS Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAQS Trung ương; TS Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao; GS-TS Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an; PGS-TS Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội...

Ngoài ra, nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc các viện nghiên cứu, trường ĐH cũng có mặt trong danh sách như TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN; GS-TS Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; PGS-TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM; GS-TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý...

Một số chuyên gia độc lập cũng được mời tham gia biên tập, sửa đổi Hiến pháp 1992 như TS Dương Thị Thanh Mai, GS-TS Trần Ngọc Đường, GS-TS Đào Trí Úc thuộc giới luật học, ông Dương Trung Quốc thuộc giới sử học, TS Trần Du Lịch ở nhóm chuyên gia kinh tế...

PGS-TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Ủy viên Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992, là trưởng Ban biên tập. Ông cho biết Ban biên tập sẽ được tổ chức thành các tổ chuyên trách các nhóm vấn đề liên quan đến sửa hiến pháp, như nhóm chế độ chính trị - quyền lực nhà nước - tổ chức bộ máy; nhóm chế độ kinh tế; nhóm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nhóm tư pháp... Nhiệm vụ của Ban biên tập là trực tiếp chuẩn bị, soạn thảo các vấn đề để trình ra Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 quyết định.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm