Hướng về Hoàng Sa

Mà đâu chỉ nỗi khắc khoải của một tài thơ nằm vắt ngang thế kỷ XIX và thế kỷ XX, hơn nửa thế kỷ sau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã gợi lên những rung động sâu lắng trong tâm thức người Việt vốn nặng lòng vì quê hương:

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi

Đi lên non cao, đi về biển rộng”

Đi về phía biển là đi tìm một chân trời, là thực hiện một khát vọng. Đất nước ta bao đời “hình khe thế núi gần xa, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao” (Chinh phụ ngâm). Dựa vào hình thể đất nước thì chọn hướng nào để phát triển? Phải chăng truyền thuyết 50 người con theo cha lên núi và 50 người theo mẹ xuống biển là một lựa chọn của sự cân bằng tâm thế hướng núi và hướng biển. Mà hướng biển xem ra có phần ưu trội vì trong mô hình mẫu hệ thì “mẹ Âu Cơ” chắc không phải là yếu thế hơn, nếu không là ngược lại.

Chỉ có điều, ân huệ của biển rất nhiều song không dễ thụ hưởng, còn tai họa vì bão lụt do biển gây ra thì lại bạo liệt, tàn khốc. Vì thế, dựa vào địa hình, “yếu tố trội” và là yếu tố bảo thủ nhất, biến đổi chậm nhất theo thời gian, cùng với các yếu tố tự nhiên khác như khí hậu, sông ngòi và lớp phủ sinh vật thì chọn “hướng núi”, dựa vào núi để mà mở nước phải chăng là một sự lựa chọn trong thế chẳng đặng đừng vào buổi ấy. Mặc dù vậy, trong sâu thẳm tâm thức Việt, cả hai hướng ấy quyện vào nhau mà những câu thơ và ca từ trích dẫn trên đã nói hộ.

Và đâu chỉ hôm nay, lịch sử đã từng ghi nhận bản lĩnh mở đường, đi về phương Nam của Nguyễn Hoàng thế kỷ XVII. Bản lĩnh đó được bật dậy từ một tầm nhìn: nhìn ra cái thế chiến lược của việc mở nước về phương Nam, hướng ra biển từ dải Hoành Sơn, tạo ra một thế phát triển mới. Tầm nhìn chiến lược, xuyên lịch sử, xuyên không gian và thời gian từ đôi mắt của bậc danh sĩ thế kỷ XVI Nguyễn Bỉnh Khiêm, với bản lĩnh và sự nghiệp của người anh hùng đi mở cõi đã khởi đầu cho một chuyển đổi tâm thế dân tộc: hướng ra biển.

Và hôm nay, có một địa chỉ trên biển Đông mà mọi đôi mắt Việt Nam đang dõi theo, mọi trái tim Việt Nam đang hòa cùng nhịp sóng biển triền miên vỗ về: đó là Hoàng Sa, nơi ông cha ta bao đời xác lập chủ quyền lãnh thổ với các văn bản pháp lý còn lưu giữ. Tờ lệnh cổ của tộc họ Đặng ở Lý Sơn về việc cấp bằng cho những người đi làm nhiệm vụ nhà nước ở Hoàng Sa vừa được chuyển giao là một ví dụ mới. Một ví dụ khác nữa là UBND TP Đà Nẵng vừa công bố việc bổ nhiệm chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa trong chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện. Trước đó, chính quyền huyện đảo Hoàng Sa cũng đã tổ chức cuộc họp mặt với những công dân đã sống và làm việc tại Hoàng Sa từ trước năm 1974.

Từ những việc rất cụ thể đó mà khởi động và phát huy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, điểm tựa quyết định của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta. Mỗi người Việt Nam đều phải được hiểu kỹ cơ sở pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của ta là máu thịt không thể cắt rời của tổ quốc.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm