SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Hợp lòng dân thì “vắt chân lên cổ” cũng phải làm!

Chiều 1-6, Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, về nội dung này.

. Phóng viên:Theo ông, cho đến giờ đã thấy rõ những nội dung nào của Luật PCTN cần sửa đổi?

+ Ông Nguyễn Đình Quyền: Rõ nhất là phải bỏ Điều 73 và khoản 4 Điều 55 luật hiện hành, tức chấm dứt Ban Chỉ đạo PCTN theo mô hình hiện hành về mặt Nhà nước.

Còn những nội dung khác, đi vào chi tiết chắc sẽ còn tranh cãi. Chẳng hạn, luật hiện hành còn khá nhiều nội dung chưa đi vào cuộc sống, cần phải khảo sát, đánh giá nguyên nhân. Như vấn đề kê khai, kiểm soát thu nhập; trách nhiệm giải trình tài sản tăng lên một cách bất thường, đang rất lúng túng. Đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đụng đến tài sản, thu nhập lại là đụng đến quyền riêng tư được bảo vệ của công dân. Tìm điểm dung hòa giữa quyền công dân và nghĩa vụ công khai, minh bạch, giải trình của công chức chắc chắn sẽ có tranh cãi…

Vừa rồi thảo luận ở các tổ đại biểu QH cũng còn có ý kiến khác là kỳ họp tới chỉ nên sửa theo quy trình rút gọn với một số nội dung liên quan trực tiếp đến việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5, về thay đổi mô hình Ban Chỉ đạo PCTN. Còn các nội dung khác cứ thực hiện theo chương trình ban đầu, để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.

Hợp lòng dân thì “vắt chân lên cổ” cũng phải làm! ảnh 1

Từ tổng kết năm năm thực hiện Luật PCTN, nhiều vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong Luật PCTN. Ảnh: TTXVN

Chính phủ không thể đứng ngoài cuộc

. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giờ sẽ không do Thủ tướng làm trưởng ban nữa. Vậy có tiếp tục xác định trách nhiệm của Chính phủ báo cáo trước QH về công tác PCTN định kỳ như khóa trước nữa không?

+ Có chứ. Ban Chỉ đạo PCTN do Tổng Bí thư làm trưởng ban, chuyển sang hoạt động theo quy định của Đảng, thì đó là việc chỉ đạo của Đảng. Còn quản lý nhà nước về công tác PCTN vẫn là trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng vẫn phải định kỳ báo cáo QH. QH vẫn tiến hành giám sát như bình thường.

Trách nhiệm này không chỉ được quy định ở Luật PCTN, mà cả ở Luật Tổ chức Chính phủ. Tôi nghĩ sẽ không có thay đổi gì, mà thậm chí phải quy định trách nhiệm rõ hơn, QH cũng phải giám sát mạnh mẽ hơn.

Cụ thể hơn để không lọt hành vi tham nhũng

. Thưa ông, Luật PCTN hiện hành quy định 12 hành vi tham nhũng, trong khi BLHS tại chỉ có bảy điều luật về các tội tham nhũng. Vậy có vướng cho công tác PCTN không?

+ Có lẽ sửa luật lần này cần quy định, bóc tách cụ thể hơn nữa để bao quát đầy đủ hơn các hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng Luật PCTN quy định bao nhiêu hành vi tham nhũng thì BLHS cũng phải thể hiện ngần đó tội danh. Tham nhũng là vi phạm pháp luật nhưng phải tới mức nào đó mới được coi là tội phạm. Mặt khác, BLHS được xây dựng với tính khái quát cao, tức một điều luật về một tội danh có thể cấu thành từ nhiều hành vi phạm tội. Cho nên đối chiếu thì sẽ thấy 2-3 hành vi ở trong Luật PCTN xuất hiện trong một điều luật thuộc chương tội phạm về tham nhũng trong BLHS.

Vất vả một chút cũng phải làm

. Cho đến nay, việc nghiên cứu sửa đổi Luật PCTN đã được xúc tiến đến đâu?

+ Về phía Chính phủ, đến giờ đã tổng kết năm năm thực hiện Luật PCTN. Kết quả cũng đã đưa ra báo cáo Trung ương 5, trong đó có những đề xuất sửa đổi. Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật PCTN cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Nhưng thực hiện theo đề xuất mới lần này, tôi nghĩ là sẽ phải “vắt chân lên cổ”. Chương trình chung toàn khóa là sửa theo quy trình bình thường hai kỳ họp và tới kỳ họp QH thứ sáu mới thông qua, giờ đẩy lên kỳ họp thứ tư, tức rút ngắn một năm.

. “Vắt chân lên cổ” như vậy, liệu có kịp không và sửa có tới nơi tới chốn không? Như ông nói đang có ý kiến khác nhau về phương án sửa, vậy ông ủng hộ phương án nào?

+ Phương án nào cũng có ưu, khuyết. Sửa trước một số điều liên quan đến Ban Chỉ đạo PCTN, rồi sau đó từ từ sửa tiếp thì đỡ vất vả hơn nhưng lại thành ra sửa lắt nhắt. Còn như đề nghị của Ủy ban Thường vụ (sửa toàn diện) thì vất vả hơn. Nhưng tôi nghĩ có quyết tâm chính trị là làm được. Vất vả một chút nhưng đáp ứng được mong mỏi của người dân thì cũng đáng để làm.

. Xin cảm ơn ông.

Đại biểu: Cử tri chờ sửa Luật Đất đai từng giờ

Tương tự như tại phiên họp tổ ngày 28-5, trong phiên thảo tại hội trường chiều 1-6 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013, nhiều đại biểu (ĐB) tiếp tục đề nghị sớm tiến hành sửa đổi Luật Đất đai ngay trong năm 2012 thay vì lùi sang năm 2013 như đề xuất của Chính phủ. “Đây là vấn đề cử tri đang trông đợi từng ngày, từng giờ và các địa phương đã tổng kết 10 năm thực hiện Luật Đất đai, thực tiễn đã chín muồi để sửa đổi” - ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nói.

ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cũng đề nghị không nên điều chỉnh đưa Luật Đất đai sửa đổi ra khỏi chương trình năm 2012 chuyển qua năm 2013. “Lý do lùi thời hạn sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ cho rằng phải chờ sửa Hiến pháp là không thuyết phục lắm vì định hướng Nghị quyết Trung ương 5 đã có cơ sở để sửa đổi. Nếu chờ sửa Hiến pháp đến cuối năm 2013 thì năm 2014 Luật Đất đai mới được sửa và đến năm 2015 mới có hiệu lực thì làm sao giải quyết được những bức xúc của người dân, đảm bảo an sinh xã hội được” - ông Tiến nhấn mạnh.

Chính phủ: Chậm sửa để đảm bảo chất lượng luật

Về việc sửa đổi Luật Đất đai, Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã xem xét và có tổng kết là tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai với tám vấn đề: Sở hữu, thời hạn giao đất nông nghiệp, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất, xử lý khiếu nại, tố cáo về đất đai, cải cách thủ tục… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp khác liên quan đến đất đai nên trung ương giao Chính phủ làm rõ thêm một số nội dung trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 này để trung ương ra định hướng về vấn đề đất đai. Cụ thể như vấn đề về giá đất, thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng, thế chấp, xử lý đất đai cho đồng bào dân tộc miền núi…

Đồng thời, trung ương cũng yêu cầu tổng kết Nghị quyết 28 (nghị quyết về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông-lâm trường quốc doanh - PV). Nếu chúng ta đưa Luật Đất đai sửa sớm e là những vấn đề phức tạp này chưa được xử lý đủ chín thì chất lượng luật không đảm bảo. Hiện nay có hơn 400 văn bản về đất đai còn chồng chéo rất lớn. Do đó, Chính phủ đề nghị giữ nguyên thời hạn đưa Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 để đảm bảo chất lượng.

Phó Thủ tướng HOÀNG TRUNG HẢI (ĐB Thái Bình)

T.HẰNG

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm