Hòa hợp và hòa giải dân tộc

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Theo hiệp định, quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam về nước, hai miền Việt Nam ngừng bắn và thực hiện quá trình kết thúc cuộc chiến. Nhưng Hiệp định Paris 1973 đã không được thực thi đúng như văn bản ký kết và hai năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam mới thực sự chấm dứt, sự chia cắt lãnh thổ đất nước sau 21 năm mới được xóa bỏ, thống nhất về một mối dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết trong ngôn ngữ tiếng Việt có một cụm từ mới xuất hiện và được sử dụng nhiều nhất - đó là “hòa hợp và hòa giải dân tộc”. Cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm đã chia cắt lãnh thổ, chia rẽ dân tộc, chia lìa người dân nước Việt Nam thành một vết thương đau sâu đậm không dễ hàn gắn, nối liền nếu không biết cách thực sự xóa bỏ thù hận. Khi tiếng súng tắt trên chiến trường, lòng người lại ngổn ngang trận mạc. Máu ngừng đổ nhưng hòa bình vẫn chưa tới. Hòa hợp và hòa giải dân tộc được đề ra theo tinh thần Hiệp định Paris là để người Việt Nam trong một nước ở hai bên chiến tuyến có thể đến gần nhau, hiểu về nhau và tìm về một sự tồn tại mới cùng nhau. Dạo đó, nhiều nhà hòa hợp đã được dựng lên trên các vùng giáp ranh giữa quân đội hai bên. Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) đã kịp thời sáng tác tiểu thuyết Miền cháy thể hiện sinh động, sâu sắc tinh thần hòa hợp, hòa giải này. Mẹ Êm trong truyện ở vùng cát cháy chiến trường ác liệt là Quảng Trị đã nén chặt nỗi đau và lòng căm thù để nuôi đứa con của một sĩ quan phía bên kia, kẻ vừa bắn chết con trai mình là chỉ huy phía bên này. Tác giả đã nói rõ tư tưởng của mình trong truyện: Bước ra khỏi một cuộc chiến tranh cũng cần lòng dũng cảm và nghĩa khí như khi bước vào nó. Câu thơ của Chế Lan Viên: “Chúng ta không chung một đoạn đường nhưng chung một tương lai” là đã được viết ra trong năm 1973 lịch sử đó. Quá trình này không dễ dàng, đơn giản và đòi hỏi rất nhiều lòng nhân ái. Sau Hiệp định Paris 1973 sự hòa hợp và hòa giải dân tộc đã diễn ra theo một hướng khác do hoàn cảnh lịch sử dẫn tới kết thúc chiến tranh. Thay vì nói “sau 1973” để chỉ một sự kết thúc và một sự bắt đầu, lịch sử Việt Nam đã nói “sau 1975”. Vấn đề và câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc tưởng chỉ là một chính sách, tưởng chỉ là một thời điểm đã kéo dài cho đến nay gần 40 năm “sau 1975” vẫn còn dấy động mỗi khi có một sự kiện hoặc một nhân vật được nhắc tới liên quan đến một thời kỳ lịch sử nhiều đau thương này của dân tộc.

Kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, quan hệ Việt - Mỹ đã có nhiều thay đổi sâu sắc. Nhiều cựu chiến binh Mỹ thời gian qua đã trở lại chiến trường xưa, những người từng là kẻ thù hai bên chiến tuyến đã ngồi lại được cùng nhau, cùng nhau bàn tới tương lai theo tinh thần gác lại quá khứ. Nhưng người Việt với nhau khác nhau trận tuyến năm xưa vẫn chưa dễ đồng thuận và đồng tình khi nhìn lại một thời chia cắt và hố sâu ngăn cách vẫn còn bị khơi lại lúc này lúc khác, do thiên kiến, do hẹp hòi và cả do một cái gì đó như là bản tính giống nòi. Một thái độ tỉnh táo, khách quan và nhân ái là cần thiết được nhắc lại lúc này, được nhấn mạnh hôm nay, để dân tộc sớm thoát được những ám ảnh chiến tranh làm thành trở ngại ngăn cản con đường đi tới. Nhà văn Nguyễn Minh Châu sau 1975 đã lại có tiểu thuyết Những người đi từ trong rừng ra, ở đó ông cho các nhân vật trong Cát cháy đi ra khỏi rừng, đi ra khỏi cuộc chiến, trở về đời sống bình thường dẫu còn đổ nát ngổn ngang nhưng bắt đầu xây đắp bằng niềm tin và tình thương.

Cái bàn họp ở hội nghị Paris là bàn tròn. Đi theo đường tròn tất cả sẽ đụng nhau và sẽ gặp nhau.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm