Hiến pháp như cái bàn thờ phải được tôn trọng

Tìm một cơ chế bảo hiến phù hợp với điều kiện chính trị-pháp lý của Việt Nam tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm, tranh luận của các nhà khoa học trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992 tới đây. Tại hội thảo “Cơ chế bảo hiến ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ QH) tổ chức mới đây ở Đà Lạt, hàng loạt các vấn đề liên quan đã được tranh luận sôi nổi.

Sắm ra Hiến pháp thì phải bảo vệ nó

Nếu đã xem Hiến pháp là hình thức pháp lý cao nhất thể hiện chủ quyền của nhân dân, là nền tảng pháp lý của một quốc gia thì việc hình thành cơ chế để bảo vệ nó là điều cần thiết. “Hiến pháp như cái bàn thờ phải được tôn trọng tuyệt đối chứ nếu ai cũng nhảy lên ngồi được thì không được. Do đó, cần phải có cơ chế bảo hiến còn lộ trình ra sao, mô hình nào cho phù hợp thì cần nghiên cứu kỹ” - ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu QH tỉnh Lâm Đồng) nói.

PGS-TS Trương Đắc Linh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng để bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp phải có cơ chế phán quyết các vi phạm hiến pháp của các cơ quan quyền lực nhà nước. “Nếu không có cơ chế phán quyết các vi phạm Hiến pháp thì có Hiến pháp cũng như không” - ông nhấn mạnh. Cũng theo PGS Linh, xét ở góc độ rộng của cơ chế bảo hiến, Hiến pháp hiện hành đã giao cho nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương đều có thẩm quyền bảo đảm thi hành Hiến pháp, kiểm tra, giám sát và xử lý các văn bản pháp luật trái Hiến pháp. Tuy nhiên, hiệu quả của cơ chế này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giống như tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” vậy. Biểu hiện rõ nhất là từ trước đến nay chưa có cơ quan nhà nước nào ở trung ương cũng như địa phương, kể cả QH, đưa ra phán quyết với văn bản pháp luật vi hiến bởi đây không phải là chức năng chủ yếu của những cơ quan này.

Hiến pháp như cái bàn thờ phải được tôn trọng ảnh 1

Các đại biểu đang thảo luận bên lề hội thảo “Cơ chế bảo hiến ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Ảnh: MC

Thế nào là vi hiến?

GS-TS Nguyễn Đăng Dung (ĐHQG Hà Nội) cho rằng muốn có cơ chế bảo hiến thì phải nhận thức rõ về các hành vi vi hiến. Tuy nhiên, thế nào là hành vi vi hiến lại là vấn đề chưa ngã ngũ giữa các chuyên gia.

Theo GS Dung, những hành vi vi hiến có thể biểu hiện dưới dạng không hành động, chẳng hạn như việc không ban hành luật để công dân thực hiện các quyền hiến định (quyền biểu tình, lập hội, trưng cầu dân ý…). Quan điểm này nhận được sự đồng tình của TS Tào Thị Quyên (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nhưng TS Vũ Hồng Anh (ĐH Luật Hà Nội) lại có ý kiến khác. “Không thể coi đó là hành vi vi hiến được mà đó là do chưa có điều kiện để ban hành luật mà thôi” - TS Anh nói.

GS Dung cũng dẫn chứng một loạt các hành vi vi hiến trong thực tế như: Hiến pháp quy định “vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường” nhưng Luật Đất đai lại cho phép thu hồi đất cho cả “mục đích phát triển kinh tế”, như vậy là vi hiến. Hay gần đây nhất là việc Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 23 hạn chế nhập hộ khẩu vào nội thị đối với người nhập cư là vi phạm quyền tự do cư trú của công dân được quy định trong hiến pháp…

Tuy nhiên, TS Anh cho rằng Luật Đất đai không trái Hiến pháp bởi “phát triển kinh tế” được xem là “lợi ích quốc gia”. Chưa kể đất đai là tài sản đặc biệt, do Nhà nước thống nhất quản lý nên Nhà nước có quyền thu hồi… Đại biểu QH Ngô Văn Minh, thành viên Ủy ban Pháp luật của QH, cũng đưa ra quan điểm khá thú vị: “Phải nhận thức rằng chỉ có luật mới có thể vi phạm Hiến pháp. QH làm ra luật là đúng rồi thì lấy đâu ra mà xử lý vi phạm Hiến pháp. Chẳng qua chúng ta làm chưa tốt công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo luật trước khi thông qua mà thôi”.

Trước những quan điểm khác nhau này, GS Dung dí dỏm: Chính vì có nhận thức khác nhau như vậy nên càng cần phải có cơ chế phán quyết để xác định thế nào là vi hiến!

Lựa chọn giữa “nửa vời” và “triệt để”

Vấn đề khó nhất hiện nay là chọn lựa mô hình bảo hiến nào cho phù hợp với điều kiện chính trị-pháp lý của Việt Nam. Có nhiều phương án được đưa ra: Một là, QH lập ủy ban giám sát trực thuộc QH; hai là trao quyền bảo vệ Hiến pháp cho Tòa án Tối cao; ba là hình thành tòa án hiến pháp độc lập.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tiến tới thiết lập tòa án hiến pháp độc lập - đó là phương án triệt để. “Tòa án hiến pháp phán quyết về các vi phạm hiến pháp theo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp. Tính độc lập ấy sẽ đảm bảo tính cân bằng trong quan hệ quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp” - PGS-TS Trương Đắc Linh phân tích.

Tuy nhiên, lựa chọn mô hình này dường như khó khả thi trong điều kiện hiện nay bởi nó mới và sẽ đụng phải vai trò “cơ quan quyền lực cao nhất” của QH. Cho nên hai phương án còn lại có thể được xem là khả dĩ, dù bản thân chúng lại tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn, nếu áp dụng phương án một thì các đạo luật, nghị quyết của QH ban hành vẫn chỉ do chính QH tự giám sát tính hợp hiến. “Cơ chế QH tự kiểm tra, giám sát chính mình là cần thiết nhưng thực tế đã chỉ rằng sự tự kiểm tra, giám sát ấy không phải bao giờ cũng khách quan. Phương án này chỉ có tính chất nửa vời” - ông Linh nhận xét.

Với phương án trao quyền phán quyết về các hành vi vi hiến cho Tòa án Tối cao, nhiều chuyên gia cũng nghi ngại không ổn bởi sự quá tải và chất lượng xét xử ở cơ quan này hiện nay. “Chức năng xét xử trong lĩnh vực tư pháp còn chưa được làm tròn; việc đảm nhận thêm chức năng bảo hiến là không hợp lý” - TS Nguyễn Ngọc Điện (Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM) nói.

Không thể rập khuôn

Bàn về cơ chế bảo hiến, các chuyên gia nói nhiều đến tính pháp lý nhưng tôi cho rằng thiết chế này mang tính chính trị rất sâu sắc. Phải xem xét cân nhắc giữa tính chính trị và tính pháp lý của cơ chế bảo hiến. Đồng thời, phải nghiên cứu một cách toàn diện hơn nữa để hình thành một mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam. Không thể rập khuôn máy móc bất cứ mô hình nào mà phải tính tới đặc thù của nước ta, nhất là đặt trong hoàn cảnh một đảng lãnh đạo và QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

GS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG, chuyên gia cao cấp của QH, thành viên thường trực của Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm