Hiến pháp 1992: Vướng nhiều nhưng khó sửa ngay

Ngày mai (3-8), tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam sẽ hội thảo về tiêu chí, phương pháp tổng kết Hiến pháp 1992. Đây là bước khởi động chuẩn bị cho việc sửa Hiến pháp trong thời gian tới. Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn GS-TS Trần Ngọc Đường, (ảnh), chuyên gia về nhà nước và pháp luật, người sẽ tham dự hội thảo này.

Hai quan điểm sửa Hiến pháp

. Thưa, giáo sư có thể cho biết mục đích của hội thảo này?

Hiến pháp 1992: Vướng nhiều nhưng khó sửa ngay ảnh 1
+ Theo quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị hiện nay thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa sáng kiến lập hiến, thể hiện trong nghị quyết của mình. Dựa trên nghị quyết đó, Quốc hội xem xét, ra nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp.

Cho đến giờ thì Trung ương chưa có nghị quyết. Nhưng về phía các cơ quan của Quốc hội, nhất là các cơ quan tham mưu giúp việc cho Quốc hội cần phải chuẩn bị, nghiên cứu để khi có nghị quyết là có thể tiến hành được ngay.

. Ủy ban Pháp luật từ hồi đầu năm ngoái đã có văn bản đề nghị bắt tay nghiên cứu, sửa Hiến pháp luôn. Nhưng quan điểm của Bộ Chính trị được nêu ra lại là phải đợi Đại hội XI thông qua cương lĩnh thì mới có cơ sở để sửa. Vậy thì khả năng lúc nào mới chính thức sửa Hiến pháp?

+ Hiện nay có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần sửa ngay một số điều để phục vụ cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm tới. Bởi hai cuộc bầu cử lần này sẽ tiến hành cùng lúc và có tính đến việc xem xét việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường. Còn quan điểm thứ hai cho rằng Hiến pháp là đạo luật mà nhân dân giao quyền cho nhà nước, rất thiêng liêng, không thể sửa lắt nhắt, tầm thường hóa Hiến pháp. Việc sửa đổi phải hết sức thận trọng, thủ tục chặt chẽ và thực sự dân chủ. Muốn vậy phải có thời gian chuẩn bị.

Hiến pháp 1992: Vướng nhiều nhưng khó sửa ngay ảnh 2

Hiến pháp không sửa thì liệu có bầu được HĐND khi cuộc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường sắp kết thúc và có xu hướng chuyển sang chính thức? Trong ảnh: Quận 1 là một trong những quận ở TP.HCM được thí điểm không tổ chức HđND. Ảnh: HTD

Chưa biết Quốc hội kỳ họp tới sẽ quyết định thế nào. Nhưng từ nay đến hết khóa, chỉ còn hai kỳ họp. Kỳ họp thứ tám cuối năm nay và kỳ thứ chín là kỳ cuối cùng vào đầu năm sau. Kỳ họp này họp ngắn, chỉ tập trung vào tổng kết nhiệm kỳ. Từ giờ đến kỳ họp cuối năm chỉ còn vài tháng, lại chưa thấy Trung ương có nghị quyết về vấn đề này.

Vướng mắc nhiều…

. Ủy ban Pháp luật dẫn ra hàng loạt bất cập của Hiến pháp hiện hành, nhất là khi cuộc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sắp kết thúc và có xu hướng chuyển sang chính thức. Vậy không sửa Hiến pháp thì liệu có bầu được HĐND?

+ Về tổ chức bộ máy thì đúng là vướng. Năm năm bầu một lần thì phải chính thức là HĐND hai hay ba cấp. Song muốn sửa Hiến pháp chỉ còn hai cấp HĐND thì cũng khó, bởi nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường chưa tổng kết. Và giả sử Quốc hội có ra nghị quyết về chủ trương sửa Hiến pháp vào kỳ họp cuối năm nay thì sau đó chỉ còn vài tháng, dẫu chỉ sửa 1-2 điều e vẫn không kịp…

Nhưng cứ thí điểm thế này thì cũng phức tạp. Những nơi làm thí điểm rồi, có tiến hành bầu lại không? Những nơi chưa thí điểm, vẫn còn ba cấp HĐND thì có bầu như bình thường không? Chưa kể, giờ tiếp tục thí điểm xôi đỗ nơi ba, nơi hai cấp thì đến khi sửa Hiến pháp rồi, tổ chức lại cũng vướng.

Vướng như vậy, chưa biết kỳ họp Trung ương tháng 8, 9 tới có đề xuất gì chăng.

. Giả sử, Trung ương tới đây quyết định cứ sửa trước một vài điều và sau đó Quốc hội ngay nhiệm kỳ này sẽ sửa luôn. Như vậy có làm giảm động lực cho việc sửa đổi toàn diện Hiến pháp 1992?

+ Không. Ngoài vấn đề chính quyền địa phương, Hiến pháp hiện hành còn chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng ta. Do vậy để tiếp tục cải cách đổi mới bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì cần phải sửa đổi một cách căn bản Hiến pháp. Chẳng hạn, Hiến pháp quy định quyền lực nhà nước là thống nhất, có phân công và phối hợp trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp… Nhưng cơ quan nào là hành pháp, cơ quan nào là tư pháp thì Hiến pháp hiện hành vẫn chưa quy định.

Cho nên phải tổng kết toàn diện Hiến pháp 1992, mổ xẻ cho hết các vấn đề thì mới bắt tay vào sửa đổi được.

… Cần tổng kết, mổ xẻ kỹ lưỡng

. Vậy theo giáo sư, lần tổng kết quy mô này phải dựa trên những tiêu chí nào?

+ Phải dựa vào những đặc trưng của Hiến pháp, các thuộc tính cơ bản của nó mà đề ra phương pháp, cách thức tổng kết phù hợp. Hiến pháp điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng nhất của quốc gia thì phải đánh giá xem việc thể chế hóa các quy định đó thế nào, khó khăn cản trở gì. Chẳng hạn, chương quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hiến định có quyền tự do biểu tình, quyền được thông tin, quyền lập hội… nhưng đến giờ chưa luật hóa được thì vì sao.

Hiến pháp là đạo luật gốc, là nhân tố đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật thì bản thân nó đã thực sự thống nhất chưa. Như việc phân công quyền lực giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp ngay trong Hiến pháp đã thống nhất và hợp lý chưa.

Ngoài ra, tổng kết Hiến pháp cần đánh giá xem hình thức thể hiện của Hiến pháp 1992 đã xứng đáng là đạo luật gốc hay chưa. Hiện đang có hai quan điểm. Một là quan điểm của CNXH hiện thực, cho rằng Hiến pháp càng quy định cụ thể thì thể chế hóa sau này sẽ thuận lợi. Quan điểm thứ hai phổ biến ở các nhà nước hiện nay, Hiến pháp là đạo luật chỉ điều chỉnh những vấn đề có tính nguyên tắc về việc tổ chức quyền lực nhà nước.

Tôi thấy Hiến pháp của ta quy định cụ thể quá, “bó tay” tiến trình cải cách. Cứ mỗi lần vướng gì lại phải sửa làm cho Hiến pháp mất thiêng đi. Quy định cứng chính quyền địa phương gồm ba cấp là ví dụ.

. Xin cảm ơn ông.

THU NGUYỆT - NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm