Hiện đại hóa tàu cá: Không nên ồ ạt đóng mới

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đang lấy ý kiến xây dựng chương trình hiện đại hóa tàu cá nhằm bảo đảm khả năng đánh bắt xa bờ cho bà con ngư dân VN. Bởi hiện nay, tàu cá của ta vẫn chủ yếu là tàu thô sơ, trang bị đơn giản, không đủ điều kiện an toàn tối thiểu, hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi đó, hiện đại hóa đội tàu không chỉ đáp ứng nhu cầu mưu sinh của bà con ngư dân mà còn góp phần rất lớn vào việc khẳng định chủ quyền ở những vùng biển xa của Tổ quốc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh câu chuyện hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân VN, ông Phạm Ngọc Hòe, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hải sản Biển Đông, nói:

Hiện nay, đội tàu của chúng ta đang phát triển theo kiểu dân thích gì thì làm. Nguyên nhân là do chúng ta chưa có một hệ thống pháp lý đồng bộ và chủ yếu mang tính quan liêu, hành chính và chưa phù hợp. Tàu cá của ngư dân chủ yếu thuộc quản lý của các xã, huyện nhưng bản thân khu vực này không có đơn vị quản lý chuyên biệt mà chỉ có phòng nông nghiệp. Vì vậy, các chỉ thị, chính sách từ trung ương đến huyện, xã gần như chưa hiệu quả.

Đã từng có các đội tàu mạnh

. Trước đây chúng ta cũng đã có nhiều công ty, tập đoàn, nghiệp đoàn để ra khơi đánh cá nhưng hiện nay số lượng còn lại rất ít. Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

+ Ngành thủy sản VN đã từng có một vài đội tàu hiện đại như tàu cá Việt Xô, Na Uy của Xí nghiệp Liên hợp Thủy sản Hạ Long - Hải Phòng; tàu cá Việt Pháp của Tổng Công ty Hải sản Biển Đông… Phần lớn các tàu này được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại vào thời điểm đó bao gồm trang bị hàng hải, thông tin liên lạc, thiết bị an toàn, khai thác. Các tàu trên đều có hệ thống cấp đông và hầm lạnh để bảo quản sản phẩm thủy sản, được quản lý, vận hành bởi lực lượng công nhân có tay nghề và đội ngũ cán bộ có trình độ ĐH trở lên. Tiếc rằng các con tàu này không thể vượt qua những khắc nghiệt của thời gian và những khó khăn về kinh tế trong bao cấp để tồn tại đến hôm nay.

Hiện đại hóa tàu cá: Không nên ồ ạt đóng mới ảnh 1

Để phát triển các tàu cá hiện đại, trước mắt vẫn tập trung nâng cấp tàu cũ và song song đóng mới. Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận

Ngoài ra, thực tế cho thấy dù ngư dân chỉ có phương tiện nhỏ đầu tư thấp nhưng vẫn bám trụ lại được với biển bởi họ chỉ đánh bắt trong mùa chính, thường kéo dài trong sáu tháng, sáu tháng còn lại thì nằm bờ. Trong khi đó, các công ty, tập đoàn quốc doanh đánh bắt cả năm, có những tháng thua lỗ. Bản thân ngư dân quản lý tàu theo hộ gia đình, trong khi đó bộ máy của tổng công ty cồng kềnh. Riêng chi phí quản lý đã dẫn đến thua lỗ, chưa kể tiêu cực nội tại trong bộ máy này.

Hơn nữa, ngư trường thì có hạn trong khi Nhà nước không quản lý được lượng tàu cá tham gia đánh bắt. Ở các nước khác, họ quản lý đánh bắt các loại cá bằng quota. Tức là một loại cá chỉ được đánh bắt với số lượng nhất định, đảm bảo được sự phát triển bền vững và người đánh bắt có lời. Nhưng nước ta lại chưa làm được điều đó.

Vừa nâng cấp vừa đóng mới

. Bộ NN&PTNT đang có chủ trương xây dựng mới đội tàu hiện đại. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

+ Chiến lược phát triển thủy sản VN đến năm 2020 đã khẳng định sẽ chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại, bền vững. Do vậy, việc phát triển các tàu cá hiện đại là tất yếu. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu để thực hiện chiến lược là khi nào, ai làm, ai theo dõi, ai kiểm tra cũng như nên hiện đại hóa tàu cá bằng cách đóng mới hay là trước mắt vẫn tập trung nâng cấp tàu cũ… là những vấn đề cần quan tâm.

Tôi cho rằng chúng ta không nên ồ ạt đóng mới tàu cá bởi số lượng tàu các loại của ta còn rất nhiều. Chúng ta phải tiến hành song song nâng cấp tàu cũ và đóng mới. Tuy nhiên, nếu đóng mới thì trước hết phải theo tiêu chuẩn không gây hại cho môi trường. Thứ hai, phải tối đa hóa cơ khí trên tàu, giảm lao động thủ công. Thứ ba, phải có hệ thống bảo quản sản phẩm tốt. Và cuối cùng, thiết kế tàu cá phải phù hợp với thu nhập của ngư dân.

. Vậy theo ông, để chính sách này đi vào đời sống ngư dân hiệu quả, Nhà nước nên làm gì?

+ Theo tôi Nhà nước không nên thành lập các công ty khai thác mà chỉ nên thành lập các đội hậu cần mang tính cộng đồng, công ích là chính. Hãy để cho dân tự làm và Nhà nước chỉ nên có các quy định hợp lý để hướng người dân đánh bắt theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, muốn quản lý được nghề cá hiệu quả thì trước mắt là chuyển Hội Nghề cá VN sang cơ chế xã hội mang tính phản biện. Hội nghề cá của các nước trong khu vực như Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan hoạt động rất tốt và họ gần như là làm chức năng của các tổng công ty. Họ cung ứng dầu, cung ứng nước, tổ chức đóng tàu, bảo lãnh ngân hàng và họ còn lo ma chay, cưới xin cho ngư dân… Trong khi đó, hội nghề cá của chúng ta chủ yếu do giám đốc sở hay phó giám đốc Sở NN&PTNT làm chủ tịch, chỉ có vài ngư dân trong hội và không thấy có quyền lợi của họ trong đó.

. Xin cảm ơn ông.

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm