Góp ý để có một Hiến pháp dân chủ

Ngày 23-1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến cùng người dân cả nước về việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992.

Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Văn Phúc (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi HP năm 1992), ông Hoàng Thế Liên (Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành HP 1992) và ông Phạm Quốc Anh (Chủ tịch Hội Luật gia VN). Nhiều câu hỏi, vấn đề người dân quan tâm đã được các chuyên gia này giải đáp cụ thể.

“Tại sao chúng ta lại phải sửa Hiến pháp vào thời điểm này?”. Với câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phân tích: HP 1992 hình thành ở giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, với đường lối cương lĩnh ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị phù hợp. Do đó, HP 1992 chủ yếu tập trung sửa đổi về vấn đề kinh tế, tạo bước chuyển lớn từ cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi một số vấn đề về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, chuyển cơ chế hoạt động từ nguyên tắc tập thể sang đề cao trách nhiệm cá nhân. Nhờ sự đổi mới về chế độ kinh tế trong HP 1992 mà đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển lớn. “Tổng kết 20 năm thực hiện HP 1992, chúng ta cũng thấy cải cách tư pháp, lập pháp, hành chính còn nhiều vướng mắc, đặt ra vấn đề sửa đổi HP để tạo cơ sở hiến định đẩy mạnh các cuộc cải cách trên. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng XI (năm 2011) đã đề ra chiến lược mới, đặt vấn đề đổi mới chính trị và kinh tế đồng bộ nên cũng cần sửa đổi HP theo trọng tâm mới” - ông Liên nói.

Trong các ý kiến chuyên gia góp ý HP, có quan điểm cho rằng “sẽ không có một bản HP dân chủ nếu hoạt động xây dựng HP không được tiến hành thực sự dân chủ với các phương thức dân chủ”. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chia sẻ: “Phát huy dân chủ để nhân dân thể hiện ý kiến là một chủ trương bắt buộc trong quá trình sửa đổi, bổ sung HP. Để phát huy dân chủ, theo lịch sử lập hiến có ba hình thức: Trưng cầu ý dân (chuẩn bị xong thì đưa ra để toàn dân quyết định); toàn dân phúc quyết (sau khi Quốc hội thông qua thì HP chỉ có giá trị khi toàn dân phúc quyết); tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng HP. Tôi cho rằng cách thứ ba là phù hợp với điều kiện hiện nay của chúng ta”.

Liệu việc góp ý HP có rơi vào hình thức? Theo Chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh, thực tế trong 60 năm qua, nhân dân đều tham gia đóng góp ý kiến vào các bản HP. Việc góp ý đúng là cũng cần có trình độ nhất định nhưng không cần phải cao siêu, người dân bày tỏ ý kiến thẳng thắn, còn ban soạn thảo sẽ ghi nhận, sửa đổi phù hợp.

10 ngày nhận 630 ý kiến góp ý

Chỉ trong 10 ngày (từ ngày 2 đến 11-1), trang web www.duthaohienphaponline của Quốc hội đã nhận được 630 ý kiến góp ý. Các ý kiến tập trung vào các nội dung về: chế độ chính trị (209 ý kiến), quyền con người, quyền cơ bản của công dân (153 ý kiến). Một số ý kiến cũng bàn về sở hữu đất đai, bộ máy nhà nước, thành lập hội đồng HP hay tòa án HP, về Đảng, về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca… Trước đó, HP 1992 đã có trên 9 triệu lượt người tham gia thảo luận.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm