ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Góp chất xám vào những quyết sách kinh tế

Trong số tám đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII của TP.HCM tái cử ĐBQH khóa XIII, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP, được nhiều cử tri nhớ tới bởi những phát biểu thẳng thắn, sắc sảo tại nghị trường khóa rồi. Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, người lần đầu tiên ứng cử ĐBQH, cũng là một chuyên gia rất có uy tín trong lĩnh vực tài chính ngân hàng...

TS Trần Du Lịch: Trách nhiệm với đất nước thì không có nhiệm kỳ

Góp chất xám vào những quyết sách kinh tế ảnh 1
Là một ĐBQH chuyên trách, tôi dành nhiều thời gian để tiếp xúc với cử tri dưới nhiều hình thức, chuyển hàng trăm đơn thư khiếu nại của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tích cực tham gia giám sát các vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội đang đặt ra. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi nhiều đề nghị của mình đã đi vào chính sách, nghị quyết, pháp luật nhưng vẫn còn nhiều điều bức xúc, trăn trở.

Suốt nhiệm kỳ QH khóa XII, nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, vấn đề cử tri quan tâm đều đặt lên bàn nghị sự thảo luận nhưng cũng còn nhiều việc chưa đi đến cùng. Tại kỳ họp thứ 2 cuối năm 2007, tôi đã kiến nghị phải có chính sách tài chính về đất đai để tạo nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được cải thiện. Tôi cũng nêu việc chúng ta quá chậm trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp với quá trình hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự thiếu minh bạch trong quản lý vốn kinh doanh của Nhà nước mà hệ quả như Vinashin mà chúng ta đã thấy… Đây là những điều khiến tôi thấy mình còn nợ cử tri.

Nếu được tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XIII, những vấn đề tôi quan tâm theo đuổi đến cùng vẫn là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là về thể chế kinh tế; đặc biệt trong lãnh vực quản lý đất đai, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, quản lý vốn kinh doanh và đầu tư của Nhà nước, ngân sách Nhà nước, đầu tư công…

Bên cạnh đó là sự cần thiết phải ban hành các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết đồng bộ giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; đặc biệt tập trung vào các vấn đề như: tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giải quyết căn cơ vấn đề lạm phát, nhập siêu; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải cách khu vực kinh tế nhà nước; giảm bội chi ngân sách, thực hiện chính sách thuế “khoan sức dân”; nâng cao phúc lợi xã hội; chính sách nhà ở cho lao động…

Ngoài ra, phải tiếp tục đổi mới nền hành chính nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, công khai minh bạch thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế giám sát để phòng, chống tham nhũng. Tôi cũng ủng hộ Đề án về xây dựng chính quyền đô thị của TP.HCM, kiến nghị xây dựng Luật Đô thị.

Trong bối cảnh hiện nay thì một việc phải ưu tiên nữa là chống lạm phát, vì lạm phát là thứ “thuế vô hình” đánh vào toàn dân. Trong khi chờ đợi xây dựng và ban hành Luật Quản lý vốn của Nhà nước, tôi đề nghị Chính phủ bắt buộc các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải công bố công khai hoạt động tài chính giống như các công ty đại chúng đã niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo điều kiện cho người dân giám sát, vì đây là tổ chức thuộc sở hữu toàn dân.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Giám sát chặt thu chi ngân sách

Góp chất xám vào những quyết sách kinh tế ảnh 2
Tại Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, trên báo chí và nhiều diễn đàn khác, các giải pháp về cắt giảm đầu tư công nhằm giúp đất nước mau chóng thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế mà PGS-TS Trần Hoàng Ngân nêu ra luôn tạo được sự chú ý. Vấn đề này cũng sẽ được ông theo đuổi trong thời gian tới nếu trở thành ĐBQH.

. Là một trong những “quân sư” của Chính phủ (thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia), nếu chuyển sang hoạt động trong QH, chất “quân sư” ấy sẽ phát huy mạnh lên ở những khía cạnh nào, thưa ông?

+ Hơn ba năm làm tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tôi hiểu rõ hơn và sâu hơn về tình hình kinh tế đất nước và cơ chế điều hành của Chính phủ, kể cả ưu điểm và nhược điểm. Vì vậy, nếu làm ĐBQH, tôi sẽ có cơ hội thực hiện quyền giám sát tốt hơn và tham gia các quyết định quan trọng của đất nước một cách tốt nhất.

Khi ấy, tôi sẽ thực hiện quyền của ĐBQH, tích cực giám sát các hoạt động thu chi ngân sách Nhà nước theo hướng hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư tràn lan. Ngoài ra, tôi sẽ tham gia bàn bạc và có chính kiến riêng về đầu tư công, về phân bổ ngân sách Nhà nước sao cho hiệu quả cao nhất, có tính chất nuôi dưỡng nguồn thu, nơi nào hiệu quả cao thì đầu tư nhiều hơn, đặc biệt phải chú ý lĩnh vực y tế và giáo dục.

. Những chính sách kinh tế ông theo đuổi thường ở tầm vĩ mô. Vậy nó sẽ tác động đến địa phương nơi ông ứng cử như thế nào?

+ TP.HCM đóng góp 22% cho GDP, 33% trong tổng thu ngân sách của cả nước. Vì vậy, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách điều hành linh hoạt và có cơ chế đặc biệt cho TP sẽ giúp TP phát huy tốt vai trò đầu tàu của mình, góp phần phát triển kinh tế khu vực phía Nam nói riêng và của đất nước một cách bền vững.

Riêng vấn đề thu chi, thay vì TP giữ lại 20 đồng trong 100 đồng đóng góp cho ngân sách Nhà nước như hiện nay thì nên là 30 đồng. Số tiền này dùng để đầu tư cho cầu đường, môi trường, trường học, xóa nhà ổ chuột… Hiện nay, ngay tại TP, ở quận 8 vẫn còn có những con đường thua xa đường làng ở Bến Tre, Bạc Liêu… Trong khi chờ ngân sách của Nhà nước, đối với những vấn đề cấp bách như trường học, đường sá, tôi sẵn sàng vận động để cùng chia sẻ khó khăn với nhân dân. Tôi nghĩ đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ĐBQH.

PSG-TS Trần Hoàng Ngân sinh năm 1964. Ông là tác giả khởi xướng hai sân chơi lớn trong giảng đường đại học: Cuộc thi Dynamic và Thị trường chứng khoán ảo. Tốt nghiệp ĐH và trở thành giảng viên từ năm 21 tuổi, 10 năm sau ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 2002, ông được phong PGS ở tuổi 38.

Tháng 7-2007, ông được Thủ tướng mời tham gia Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia.

YÊN TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm