Giữ vững an ninh biển bằng Quỹ hỗ trợ ngư dân

Nhiều tỉnh miền Trung đã thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân trong hoạt động đánh bắt thủy sản. Quỹ này sẽ hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro trong quá trình đánh bắt như gặp bão tố, bị “tàu lạ” đâm chìm, bị nước ngoài bắt và tịch thu ngư cụ…

Chúng tôi đã trao đổi với ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chung quanh quỹ này.

Vừa hỗ trợ vừa nắm an ninh biển

. Hiện mô hình thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân được các địa phương triển khai thế nào, thưa ông?

+ Nhiều địa phương, nhất là ở miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đang thực hiện Quỹ hỗ trợ ngư dân. Đây là những địa phương chịu tác động nhiều nhất trong việc đánh bắt thủy sản trên biển, nhất là vùng Hoàng Sa và Trường Sa.

Giữ vững an ninh biển bằng Quỹ hỗ trợ ngư dân ảnh 1

Tới đây, các ngư dân sẽ được miễn phí neo đậu, sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nước ngọt ở các đảo xa bờ như Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc... Ảnh: HTD

Ngư dân miền Trung rất hiểu việc cần thiết lập những tổ, đội đánh bắt trên biển để dễ dàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Vì thế, tại các địa phương này có rất nhiều tổ, đội ngư dân. Cứ 5-7 tàu có quan hệ gia đình hoặc bạn bè là họ lập một tổ đội, bầu tổ trưởng và đăng ký với chính quyền địa phương. Nhà nước hỗ trợ ngay bằng việc cấp cho tổ, đội một máy đàm thoại từ xa trị giá khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, nhà nước cũng hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể trong việc đánh bắt, cung cấp vật tư trên biển, tiêu thụ sản phẩm… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương thành lập những tổ, đội sản xuất của ngư dân trên tinh thần tự nguyện để nhà nước dễ dàng hỗ trợ. Quỹ hỗ trợ ngư dân ra đời sẽ giúp ngư dân an tâm đánh bắt thủy sản, đồng thời giúp nhà nước nắm bắt tình hình an ninh trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.

. Thưa ông, việc huy động nguồn quỹ này sẽ thực hiện như thế nào?

+ Nguồn quỹ là của địa phương, thông qua các nguồn vốn khác nhau từ sự đầu tư của trung ương, ngân sách của tỉnh, sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài… Trong khi đang chờ chính sách của trung ương, bản thân địa phương cảm thấy cần thực hiện việc này nên họ tự tổ chức. Địa phương có thể trích một phần nguồn thu từ việc xuất khẩu thủy sản để bình ổn sản xuất cho ngư dân. Mặt khác, ngư dân thấy việc này rất quan trọng nên họ có thể lập ra quỹ, hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro…

Trong chiến lược phát triển thủy sản sắp tới, chúng ta phải thành lập những cơ quan nòng cốt của quốc gia như những tổng công ty để hỗ trợ cho ngư dân, nhất là việc bảo vệ ngư dân trên biển, cung cấp xăng dầu, mua sản phẩm đánh bắt… Hiện chúng tôi đang đề nghị nhà nước chú trọng việc hỗ trợ ngư dân.

Sẽ xây nhiều điểm hậu cần trên các đảo xa

. Các chính sách hỗ trợ cụ thể mà Bộ định làm là gì, thưa ông?

+ Trong chính sách trình Chính phủ, chúng tôi kiến nghị xây dựng một số điểm hậu cần dịch vụ trên các đảo lớn, đảo xa bờ như ở Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc… Ở những nơi này, ngư dân sẽ được miễn phí neo đậu, sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nước ngọt. Ngư dân được mua nước đá và bán thủy sản bằng giá họ bán trong bờ. Ngư dân sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, từ việc bảo vệ an toàn trong hoạt động trên biển, cung cấp các dịch vụ nghề cá, mua bảo hiểm thuyền viên, cung cấp thiết bị phục vụ đánh bắt…

Cạnh đó, chúng tôi còn đề nghị Chính phủ cho ngư dân vay vốn ưu đãi để đóng mới, thay vỏ tàu thuyền, mua sắm thiết bị… trong thời gian 5-10 năm.

. Thưa ông, cách thức thực hiện hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả, đúng đối tượng?

+ Việc này nên giao cho địa phương thực hiện là tốt nhất, bởi không ai hiểu ngư dân của mình bằng chính quyền địa phương. Giao cho địa phương và người dân nhưng nhất thiết nhà nước phải có sự kiểm tra, giám sát. Mặt khác, để quỹ hoạt động hiệu quả, chúng ta cần khuyến khích, động viên người dân tham gia. Nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ cho ngư dân nước mình trong việc khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.

. Xin cám ơn ông.

VŨ TRẦN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm