Giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”: “… Những người chưa bao giờ khuất”

Ngày này cách đây 26 năm (14-3-1988), những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kết nhau thành tượng đài sống để giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên bãi Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Và hôm nay, những người anh hùng biển cả ngày nào cùng thân nhân của những liệt sĩ Trường Sa đã tề tựu về để thắp lên ngọn lửa yêu nước, thắp lên muôn nén hương lòng, hun đúc cho bức tượng đài khắc tên những người đã nằm xuống cho Tổ quốc được đứng lên giữa biển lớn.

Ăm ắp trong chương trình giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức tại TP Đà Nẵng, chiều 13-3 là “những buổi ngày xưa vọng nói về… của những người chưa bao giờ khuất” ấy.

Sống lại “thời hoa lửa”

Khi những thước phim về cuộc chiến không cân sức ở Gạc Ma 26 năm trước được chiếu lên, cả hội trường dần chùng xuống. Người ta chỉ còn nghe thấy tiếng bật khóc và những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gò má của những người mẹ, người vợ của các chiến sĩ Trường Sa năm nào…

Màn hình khép lại khi giọt nước mắt chưa kịp khô trên cánh áo của những người vợ, người mẹ… ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch LĐLĐVN, mở đầu buổi giao lưu bằng lời cảm ơn, tri ân những người anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Máu của những người con đất Việt, dù trong hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội” - ông Tùng trầm giọng nói.

 
Cựu binh Trường Sa sống lại một “thời hoa lửa”. Trong ảnh: Thuyền trưởng tàu HQ- 505 Vũ Huy Lễ đang kể về quyết định cho tàu ủi lên bãi đá Cô Lin để “tử thủ”. Ảnh: TẤN TÀI

Sau giây phút tưởng niệm vong linh các anh hùng, liệt sĩ, các cựu binh giữ đảo năm xưa như anh hùng LLVT, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ, tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo (tàu HQ-604), lính hải đồ tàu HQ-604 Trương Văn Hiền… đã cùng “sống lại một thời hoa lửa”. Nhớ lại thời khắc phát lệnh ủi con tàu HQ-505 lên đảo Cô Lin để quyết sống chết với kẻ thù, ông Lễ chia sẻ đó là quyết định khó khăn nhưng sáng suốt nhất của một đời binh nghiệp của mình. “Lúc đó chỉ huy tàu luôn phải đối mặt với những quyết định khó khăn bởi các tàu Trung Quốc liên tục quấy phá. Chỉ một quyết định sai lầm, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nếu tàu bị trúng nhiều phát đạn pháo, có thể chìm ở độ sâu gần 1.000 m. Khi ấy không những mất tàu mà còn mất đảo. Còn nếu ủi tàu lên bãi cạn thì khả năng sống sót cao hơn mà vẫn giữ được đảo. Vì vậy tôi ra lệnh cho anh em cật lực sửa lại máy tàu rồi ủi thẳng lên đảo Cô Lin” - đôi mắt ông Lễ sáng lên khi nhớ về thời khắc ấy. Và “Khi con tàu đã chồm lên được bãi cạn, anh em trên tàu như càng quyết tâm hơn về việc phải bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc dù bất cứ giá nào. Và điều ấy đã giúp những người lính giữ được đảo Cô Lin trước sự hung hăng của kẻ thù”.

Với cựu binh Lê Hữu Thảo, cuộc chiến Gạc Ma chỉ “rút gọn” trong hình ảnh của đồng đội trên tàu HQ-604. “Lúc tàu chìm, anh em trên đảo Gạc Ma đang quần nhau với lính Trung Quốc thì bất ngờ một đồng đội của tôi cố sức vác khẩu B-40 lên nhắm bắn vào kẻ thù. Nhưng do bị thương quá nặng, đuối sức, quả đạn bắn ra chỉ phụt bay cỡ mấy mét rồi phát nổ. Anh ấy cũng gục xuống…”. Câu chuyện của anh Thảo đã khiến nhiều người trong hội trường xúc động.

 
Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của những người mẹ, người vợ Gạc Ma. Ảnh: TẤn Tài

Sẽ tạc khúc bi tráng Gạc Ma

KTS Nguyễn Trường Lưu, Hội Kiến trúc sư TP.HCM (đơn vị thiết kế đền tưởng niệm 64 anh hùng ngã xuống ở Gạc Ma), chia sẻ: Tôi muốn thiết kế một không gian cộng đồng về cuộc chiến Gạc Ma và đền hay đài tưởng niệm chỉ là một phần trong không gian đó. Nó thực sự phải là một điểm đến của mọi người. Tôi đang suy nghĩ việc sẽ dùng lối kiến trúc, điêu khắc nào để thể hiện hết những câu chuyện, hình ảnh cảm động hôm nay. “Và đó phải là một hình ảnh thật, cảm xúc thật về cuộc chiến. Tôi thích hình ảnh người lính cầm súng B-40 trong câu chuyện của anh Lê Hữu Thảo. Đó phải là một khúc ca bi tráng” - ông Nguyễn Trường Lưu, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nói trong xúc động.

Ông Đặng Ngọc Tùng cho biết: Trong chiều 13-3, đã có hơn 1,1 tỉ đồng ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”. Theo ông Tùng, chương trình sẽ tiến hành vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma. Đồng thời, hỗ trợ thân nhân của những người lính đã hy sinh trong hai trận hải chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) đang gặp khó khăn như hỗ trợ xây dựng nhà cửa, giúp con em đến trường... Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN còn tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ, động viên ngư dân đang hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa chẳng may gặp thiên tai, địch họa… “Nhiều ngư dân bị Trung Quốc bắt tàu, phá hoại đã có kinh phí để sửa sang tàu thuyền, tiếp tục bám biển” - ông Tùng thông tin thêm.

Anh Lê Quốc Chinh, đại diện nghiệp đoàn nghề cá An Hải - Lý Sơn (Quảng Ngãi), chia sẻ cũng như đội hùng binh Hoàng Sa ngày trước, những ngư dân hôm nay không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, quyết vươn khơi xa làm ăn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. “Bám biển, bám ngư trường truyền thống là cách để ngư dân chúng tôi tri ân những người đã quên mình ngã xuống vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ ở vùng biển, đảo xa khơi” - anh Chinh nói.

TẤN TÀI

 

Khoảng lặng Gạc Ma

Mang theo di nguyện chưa thành của người mẹ đã mất, anh Trần Văn Thu (anh của liệt sĩ Trần Văn Bảy - tàu HQ-604) chia sẻ: “Tôi vào đây hôm nay là mang theo di nguyện của mẹ tôi. Mẹ tôi cũng như bao bà mẹ Trường Sa khác, đằng đẵng mấy mươi năm xé lòng chờ mong chồng, con. Cha tôi là một chiến sĩ Điện Biên hy sinh. Rồi đến hai anh tôi cũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Tất cả đều nằm xuống mà không tìm thấy xác…” - nói đến đó anh Thu bật khóc. Người mẹ Trường Sa ấy đã ra đi mà ước nguyện còn dang dở khi ba đứa con liệt sĩ vẫn còn nằm lại đâu đó ngoài biển khơi, rừng thẳm. Liệt sĩ Trần Văn Bảy ngã xuống với sóng nước Gạc Ma khi tuổi mới tròn hai mươi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm