Giáo dục, y tế, khoa học tiêu không hết tiền

Ngày 27-2, UBTVQH đã cho ý kiến về tờ trình “Về kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2007, phương án sử dụng nguồn kinh phí còn dư và tăng thu ngân sách trung ương năm 2007”. Hai vấn đề nổi cộm được quan tâm là tại sao số tăng thu lớn đến thế và tình trạng nhiều ngành chi không hết tiền trong bối cảnh đang có nhiều lĩnh vực cần đầu tư.

Thu vượt dự toán hơn 34.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, năm 2007, tổng thu ngân sách là 315.915 tỷ đồng, vượt tới 12,1% so với dự toán (tương đương 34.015 tỷ). Hai lĩnh vực làm tăng thu ngân sách là dầu thô và nhà đất, trong đó thu từ dầu thô tăng gần 8.500 tỷ đồng, thu từ nhà đất tăng hơn 10.000 tỷ đồng.

Lý do, theo ông Ninh là do giá dầu thế giới tăng cao và thị trường bất động sản những tháng cuối năm giao dịch mua bán tăng mạnh.

Những con số trên đây làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận giật mình: “Rất nhiều năm dự toán thu ngân sách đều rất thấp so với số thực thu. Để tình trạng này mấy chục năm không khắc phục được là do người làm dự toán yếu kém hay là có lợi ích gì ở đây?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận có yếu kém trong dự báo, dự tính nhưng cũng phúc đáp lại: “Dự báo có nhiều cái khó. Thị trường bất động sản thì không biết thế nào. Còn giá dầu thì cả thế giới dự báo 70-75 USD/thùng nhưng đùng một cái nó lên 100 USD”.

Đối với số tiền thu vượt dự toán, UBTVQH yêu cầu Chính phủ thực hiện đúng Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, phần lớn số tiền vượt thu phải để đầu tư cho phát triển, dứt khoát không được sử dụng cho chi thường xuyên.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh kiến nghị lấy một phần bù vào khoản ngân sách dự phòng bị thiếu hụt do Chính phủ phải lấy ra để bù lỗ giá dầu. Ông Ninh cho biết năm 2007, ngân sách dự phòng chỉ có 5.900 tỷ, trong khi Chính phủ phải bù lỗ giá dầu đến 11.300 tỷ đồng.

Trên 500 tỷ đồng không được “xài”

Nội dung thứ hai được mổ xẻ là tổng dự toán chi ngân sách năm 2007 đã bố trí nhưng các ngành không sử dụng hết, hiện còn lại là 522,7 tỷ đồng. Trong đó ngành khoa học công nghệ dẫn đầu với hơn 182 tỷ đồng phải trả lại ngân sách nhà nước. Tiếp đến là ngành y tế với gần 120 tỷ phải trả lại, Văn hóa-Thông tin với gần 117 tỷ, ngành giáo dục gần 47 tỷ...

Ông Nguyễn Văn Thuận tiếp tục chất vấn: “Khi phân bổ ngân sách, Quốc hội phải đong, đo, bớt xén từ bát gạo của ông này để chi cho ông kia, vậy mà sao không tiêu hết tiền? Giáo dục, y tế còn bao nhiêu việc phải làm, kêu bao nhiêu chuyện bức xúc cần đầu tư mà sao tiền tiêu không hết?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói thêm: Y tế đang có quá nhiều đề án cần đầu tư, có những đề án rất bức xúc về vốn, ví dụ như đề án đầu tư cho y tế tuyến huyện lên đến 4.000 tỷ đồng nhưng ba năm mới chỉ chi được 24%. Tại sao không điều chỉnh chi cho hợp lý?

Ông Thuận yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của từng ngành trong việc để xảy ra tình trạng không giải ngân được này.

z Chiều qua, UBTVQH cho ý kiến chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ ba, QH khóa XII, dự kiến sẽ diễn ra từ 6-5 đến 23-6 tới đây. Theo chương trình, kỳ họp này sẽ thông qua 13 luật và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Tổng thời gian dành cho thảo luận các dự án luật lên tới 27 ngày.

Cũng tại kỳ họp này, những vấn đề đưa ra chất vấn sẽ được xem xét dứt điểm và ra nghị quyết để có căn cứ cho việc tiếp tục giám sát, đảm bảo hiệu lực thực sự của hoạt động chất vấn.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm