Giảm tối đa sự độc quyền của các “ông lớn”

Trước những sai phạm, thất thoát mà nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây ra trong thời gian qua, dư luận đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các biện pháp tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty nhà nước được đề cập trong “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh” được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày trước QH vào chiều 21-5.

Minh bạch thông tin về các sếp tập đoàn

Theo đề án do Bộ trưởng Vinh trình bày, mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà Chính phủ hướng đến là nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của từng DN nói riêng và toàn bộ DNNN nói chung. Trong đó, sẽ tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước và chức năng giám sát độc quyền trong kinh doanh của các cơ quan hành chính nhà nước; thiết lập cơ quan đầu mối chuyên trách thực hiện đầy đủ tất cả quyền sở hữu nhà nước. Đồng thời, áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường buộc các DNNN phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Đặc biệt, trong hoạt động, sẽ thực hiện công khai và minh bạch hóa thông tin đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Tập đoàn, tổng công ty phải công bố công khai các thông tin về báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán của tập đoàn, tổng công ty và báo cáo tài chính hằng năm có kiểm toán của các công ty con; danh mục các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành; các giao dịch có quy mô lớn, khoản vay hay cho vay lớn và các giao dịch bất thường khác” - ông Vinh nhấn mạnh.

Giảm tối đa sự độc quyền của các “ông lớn” ảnh 1

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty cũng phải công khai thông tin về nhân thân, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, các vị trí quản lý đã nắm giữ, cách thức được bổ nhiệm, công việc quản lý được giao, cách thức trả lương và bản tự kiểm điểm, đánh giá hằng năm của họ trên cương vị là người quản lý DN... Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn trước năm 2015 đối với các ngành kinh doanh không liên quan, nhất là ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm. Đồng thời, sẽ thực hiện giải thể hoặc phá sản đối với các DN thành viên liên tục bị thua lỗ, không thanh toán được các khoản nợ đến hạn.

Tách bạch mục tiêu lợi nhuận và nhiệm vụ chính trị

Đồng tình với việc tái cơ cấu DNNN nhưng các thành viên của Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra đề án này - đề nghị Chính phủ không sử dụng DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế. “DNNN có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà các DN thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc tái cơ cấu các DNNN cần kiên quyết tách bạch nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. Cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị-xã hội đối với các DNNN, nhiệm vụ này do chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội thực hiện.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện chương trình thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước để từ đó có chính sách tiếp theo cho phù hợp như ban hành Luật quản lý việc sử dụng vốn Nhà nước vào mục đích đầu tư, kinh doanh tại các DNNN. Đồng thời, nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước tương đối độc lập và được trao đầy đủ thẩm quyền. “Trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn, tổng công ty, hoàn thiện mô hình công ty mẹ - công ty con. Hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ với cơ quan quản lý vốn, cơ quan quản lý nhà nước” - ông Giàu nhấn mạnh.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.