Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng: Phải luôn đổi mới trước thực tiễn sôi động

LTS: Hôm nay, 27-3-2012, Sở Tư pháp TP.HCM long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Sở. Đây là dịp ghi nhận nỗ lực phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo và tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Sở, của ngành tư pháp TP trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của TP, nhu cầu của nhân dân.

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng: Phải luôn đổi mới trước thực tiễn sôi động ảnh 1
Luật pháp không thể chỉ là những câu chữ cứng nhắc trên giấy tờ mà phải luôn gắn liền với đời sống”. Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (ảnh), nhấn mạnh điều đó trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhân sinh nhật lần thứ 30 của Sở Tư pháp TP.HCM.

Mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân

. Năng lực của Sở Tư pháp TP.HCM luôn được các vị lãnh đạo trung ương và TP đánh giá cao. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã nhận định: Sở Tư pháp TP.HCM là “đầu tàu gương mẫu trong sự nghiệp phát triển chung của ngành tư pháp cả nước”. Phấn đấu xây dựng được một “thương hiệu” như thế, hẳn không dễ dàng, thưa bà?

+ Bà Ngô Minh Hồng: Thường có một tâm lý ỷ lại mà các cơ quan nhà nước hay gặp phải: Người dân phải tự tìm đến anh chứ không phải ngược lại. Cơ quan nhà nước không phải là doanh nghiệp, cũng không hoạt động mua bán gì nên không cần làm gì để thu hút, như kiểu một doanh nghiệp phải thu hút và tiếp cận khách hàng. Vậy nên doanh nghiệp hay tìm cách tạo dựng thương hiệu, chứ cơ quan nhà nước ít khi chú tâm đến điều này. Tuy nhiên, do ngành tư pháp TP làm việc giữa một môi trường đầy tính năng động sáng tạo, đời sống xã hội rất dân chủ, chúng tôi phải nỗ lực đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ở đây, những vướng mắc, phản ánh từ phía người dân và doanh nghiệp, những mong muốn từ cử tri… tất thảy đều có thể được thể hiện trên mặt báo. Nếu chúng tôi không xử lý vấn đề ngay, chắc chắn báo chí sẽ lên tiếng, lãnh đạo TP và trung ương “hỏi thăm” liền.

Như vậy, tuy không phải “cạnh tranh” với ai nhưng ngành tư pháp TP.HCM luôn đặt ra mục tiêu làm mới mình và luôn xử lý các vướng mắc kịp thời. Cũng nói thêm rằng làm việc trong một môi trường đầy thử thách như TP.HCM, một mặt đòi hỏi chúng tôi phải có ý thức trách nhiệm cao. Mặt khác, chúng tôi luôn đứng trước áp lực của người dân yêu cầu chúng tôi phải phục vụ ngày càng tốt hơn. Ở đây, tôi muốn nói đó là những áp lực tích cực, chính đáng, vừa có lợi về phía người dân vừa tạo sức bật cho ngành.

. Nhưng pháp luật luôn đòi hỏi phải có tính ổn định, bền vững cao. Vậy nói rằng ngành tư pháp TP.HCM luôn luôn tự làm mới mình thì liệu có mâu thuẫn với đặc điểm bền vững của pháp luật không?

+ Pháp luật phải có tính ổn định, bền vững. Pháp luật mà cứ thay đổi liên tục nay thế này, mai thế khác là không ổn. Yêu cầu của pháp luật là lúc nào pháp luật cũng phải được chấp hành, đảm bảo được pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ chú trọng pháp lý đơn thuần, pháp lý hình thức thì lại không gắn liền với đời sống. Bởi vì suy cho cùng, các thủ tục lập ra vừa là để giúp người dân nhưng mặt khác, đó cũng là cách giúp cơ quan nhà nước quản lý. Do đó, giấy tờ nào có thể thay thế được thì cho phép người dân thay thế, thủ tục nào có thể rút ngắn hơn thì rút gọn lại.

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng: Phải luôn đổi mới trước thực tiễn sôi động ảnh 2

Sở Tư pháp TP.HCM đã có nhiều sáng kiến cải tiến, tạo thuận lợi cho dân khi làm các thủ tục liên quan. Ảnh: HTD

Mình phải hiểu cái thần của pháp luật và nắm bắt được cái gì nằm giữa các dòng chữ khô khan đó. Mình phải luôn tìm tòi cách để phục vụ dân ngày càng tốt hơn, không để đầu óc mình bị một cái khung vô hình ràng buộc lại và loay hoay trong cái khung chật hẹp đó. Phải như thế thì mới có đổi mới cách làm, mới cải tiến thủ tục hành chính được. Chúng tôi luôn lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm thước đo kết quả công việc.

Đi đầu trong nhiều việc

. Có khi nào Sở “vượt rào” không, thưa bà?

+ Không có chuyện “vượt rào”. Không ai có thể làm trái pháp luật và chúng tôi luôn áp dụng đúng tinh thần pháp luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp ban đầu chỉ mới được áp dụng trên phạm vi TP.HCM nhưng sau đó được thể chế hóa thành luật và được áp dụng trên cả nước.

Tôi ví dụ, theo quy định trước đây, nếu một người dân xin cấp phiếu lý lịch tư pháp mà họ không tự đi làm thủ tục được thì phải làm giấy ủy quyền cho người khác. Đối với sinh viên đang du học ở nước ngoài, nếu mình đòi giấy ủy quyền thì họ phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp. Do đó, Sở Tư pháp TP.HCM giải quyết bằng cách: Người đi làm thủ tục là cha mẹ, vợ chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần phải có văn bản ủy quyền. Năm 2009, Luật Lý lịch tư pháp được ban hành thì quy định này được đưa vào luật. Hoặc Sở đã đề xuất và được UBND TP chấp thuận việc xóa bỏ địa hạt công chứng. Để xóa địa hạt, Sở đã xây dựng phần mềm để cung cấp thông tin cho công chứng viên về những nhà đất bị ngăn chặn giao dịch. Sau này, Luật Công chứng năm 2006 cũng bỏ địa hạt…

Riêng đối với những vướng mắc không thuộc phạm vi giải quyết của mình thì phải kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Kiến nghị ở đây không chỉ dừng ở hỏi suông mà phải đề ra cả biện pháp tháo gỡ. Bởi mình trực tiếp va chạm với thực tiễn mà thực tiễn đó nhiều khi các địa phương khác không có, không gặp phải.

. Được biết lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM không ngại tiếp dân và tìm cách giải quyết cho dân trong những vụ việc đặc biệt?

+ Nếu mình không lắng nghe dân nói thì mình sẽ không hiểu rõ bản chất sự việc, nhiều khi dễ dẫn đến áp đặt, đúng lý mà lại thiếu tình. Có một lần, vào thời điểm Luật Nuôi con nuôi chưa được ban hành, một cơ sở tôn giáo chuyên chăm sóc trẻ em bại não muốn cho một em bé cho một cặp vợ chồng người nước ngoài làm con nuôi. Nếu căn theo quy định thì chúng tôi không giải quyết vì cơ sở này không có chức năng cho trẻ làm con nuôi. Tuy nhiên, cơ sở đó rất muốn cho bé và cặp vợ chồng nước ngoài kia cũng rất tha thiết muốn nhận bé. Một vị linh mục và một bà sơ của cơ sở đó lên gặp chúng tôi và nói rằng bé chỉ bị tật ở chân, nếu để em sống hoài giữa xung quanh các bé bại não thì trí óc em sẽ bị ảnh hưởng, xin để em được làm con nuôi vì tương lai của chính em.

Chúng tôi xuống xác minh thì thấy đúng như vậy thật. Sau đó, hồ sơ nhận con nuôi ấy được UBND TP.HCM và Bộ Tư pháp chấp thuận.

. Liệu bà có những dự định gì chưa kịp thực hiện cho ngành tư pháp TP.HCM, khiến bà phải nuối tiếc khi chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu?

+ Khi được giao nhiệm vụ, tôi luôn cố gắng hết sức làm tốt nhất có thể nên không phải nuối tiếc điều gì. Tôi có cái may mắn là được về làm việc từ những ngày đầu thành lập Sở và chứng kiến quá trình lớn mạnh, phát triển từng ngày của Sở. Để làm nên diện mạo ngành tư pháp TP.HCM hôm nay, đó là công sức của cả một tập thể gồm nhiều thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức của ngành. Tất cả đã cùng nhau sát cánh, chủ động sáng tạo vượt qua các thách thức, chung tay góp sức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đóng góp cho sự phát triển từng ngày của TP.HCM. Bên cạnh đó là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND TP và của các cấp ngành trung ương. Tôi chỉ băn khoăn một điều, lương của cán bộ ngành còn thấp nên khó thu hút được người tài, người giỏi…

. Xin cảm ơn bà.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm