Giá điện cần minh bạch

Tại phiên thảo luận tổ sáng 6-6 về Luật Điện lực sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã lên tiếng phản đối việc dự thảo luật bổ sung thêm một số quy định về phí điều tiết điện lực và chuyển một số loại phí thành giá trong giá điện. Các ĐB cũng đề nghị ngành điện cần có sự minh bạch trong giá điện không để tình trạng tù mù như hiện nay.

Loạn giá và phí điện

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo lần này bổ sung thêm phí điều tiết điện lực và được thu hằng năm. Đồng thời, sửa đổi ba loại phí hiện hành: phí truyền tải, phí phân phối, phí dịch vụ phụ trợ thành ba loại giá tương ứng. Như vậy, trong cơ cấu giá điện sẽ có sáu loại giá và ba loại phí. Cụ thể là giá phát điện, giá bán buôn (giá bán sỉ), giá bán lẻ điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá dịch vụ phụ trợ cùng với phí điều độ hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và phí điều tiết điện lực.

Giá điện cần minh bạch ảnh 1

Nhiều đại biểu cho rằng người dân đã trả tiền điện cho nhà cung cấp lại phải trả thêm phí điều tiết nữa thì chưa hợp lý. Ảnh: HTD

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cho rằng dự thảo luật đưa ra nhiều giá và phí khác nhau tạo thành giá điện như vậy nhưng lại không rõ ràng. “Đề nghị giải thích rõ các loại giá và phí này để tránh bất hợp lý hay trùng lắp trong cấu thành giá bán điện bán cho người dân. Đồng thời, bỏ phí điều tiết hoạt động điện lực vì phí phải có cấu thành tương ứng. Người dân đã trả tiền điện cho nhà cung cấp lại phải trả thêm phí điều tiết cho Nhà nước nữa thì chưa hợp lý. Trong khi hoạt động điều tiết do Cục điều tiết là cơ quan nhà nước thực hiện, nếu thu phí này thì đó là phí nhạy cảm với nhân dân” - ĐB Thiện lưu ý.

ĐB Nguyễn Thùy Trang, TP.HCM cũng tỏ ra băn khoăn: “Nếu thêm phí điều tiết điện lực thì ai sẽ đứng ra thu? Nếu giao cho Cục điều tiết thì không hợp lý vì Cục là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng tham mưu, vừa thu phí vừa điều hành như vậy thì chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Tôi cũng đề nghị phải cân nhắc việc quy định về các loại phí trong dự thảo. Nguyên tắc thu phí là phải trên cơ sở cung cấp một dịch vụ nào đó. Trong khi hoạt động điều tiết điện lực là hoạt động thuộc chức năng quản lý nhà nước, tại sao lại bắt người dân đóng phí, người dân được hưởng dịch vụ gì từ hoạt động này? Nếu luật quy định giá điện do doanh nghiệp tự quyết định lại cộng thêm các khoản phí như vậy thì chắc chắn giá điện sẽ tăng cao” - ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cảnh báo.

ĐB Ngô Ngọc Bình, TP.HCM thẳng thắn đề nghị nên bỏ hết các loại phí. Vì khi ngành điện bán điện ra cho người dân đã tính toán các loại chi phí rồi không có cớ gì lại thu thêm một số loại phí như vậy nữa.

Nếu minh bạch, giá có cao dân cũng chịu

ĐB Thiện cũng chỉ ra thực trạng chưa bình đẳng trong quan hệ cung-cầu giữa khách hàng và nhà cung cấp điện hiện nay. “Hiện nay, chúng ta chưa khắc phục được tính độc quyền trong phát, truyền tải, phân phối dẫn đến mối quan hệ bất bình đẳng này. Để khắc phục việc này, dự luật cần bổ sung quy định đơn vị cung cấp điện công khai, minh bạch cơ chế vận hành điện trong từng thời điểm. Nhà cung cấp điện có công khai thì người tiêu dùng mới yên tâm là tính đúng, đủ theo thị trường” - ĐB Thiện nói.

“Thời gian qua giá cả các mặt hàng như xăng dầu, điện luôn nhạy cảm và gây nhiều bức xúc trong cử tri. Thông thường người dân chỉ nghe thông tin sẽ điều chỉnh giá điện từ báo chí nhưng không rõ có điều chỉnh không và điều chỉnh trên cơ sở nào. Do đó đòi hỏi tính minh bạch, công khai trong giá điện là cần thiết. Hiện nay tính minh bạch trong ngành điện chưa rõ ràng, vì vậy bên cạnh sửa đổi luật cần phải có tái cơ cấu ngành điện. Việc tính toán giá điện phải dựa báo cáo tài chính, các báo cáo kiểm toán cần phải quy định là kiểm toán độc lập...” - ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Hải, giá điện hiện nay của chúng ta đang thấp so với các nước, do đó khó thu hút đầu tư vào ngành điện. “Tôi cũng đã nghe câu chuyện trong ngành điện nói với nhau, giờ một cốc trà đá cũng 2.000 đồng, trong khi 1 kWh điện giá chỉ hơn ngàn, như vậy là chưa hợp lý. Tuy vậy, cũng như cử tri, tôi băn khoăn ở quy định giá điện theo cơ chế thị trường. Cử tri thắc mắc hiện nay nhà cung cấp điện chủ yếu vẫn là EVN thì làm gì có cạnh tranh. Do đó, tôi đề nghị không để cho DN tự quyết định giá điện mà Nhà nước vẫn phải can thiệp, bởi cơ chế kiểm soát, minh bạch giá điện hiện nay chưa được thực thi tốt” - bà Hải nói.

Kêu lỗ mà sao lại đua nhau làm thủy điện?

Ngành điện cứ kêu lỗ, kêu khó khăn nhưng tôi không giải thích được tại sao lại có quá nhiều DN đầu tư vào thủy điện một cách ồ ạt, một con sông mà có quá trời thủy điện. Tôi cho rằng ở đây rõ ràng có lợi ích trong đầu tư.

ĐB LÊ NAM (Thanh Hóa)

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm