Đương sự được yêu cầu giám định tư pháp

Theo đó, hai vấn đề lớn có nhiều ý kiến khác nhau là quyền yêu cầu GĐTP của đương sự và mô hình tổ chức GĐTP về pháp y cấp tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng việc mở rộng quyền của đương sự được yêu cầu GĐTP để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ của đương sự trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp. Trong các vụ án hình sự có giải quyết vấn đề dân sự thì khi tham gia tố tụng, các đương sự (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…) cũng có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như đương sự trong các vụ việc dân sự thông thường khác. Nếu không quy định quyền trực tiếp yêu cầu GĐTP của đương sự trong trường hợp này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ pháp luật tố tụng. Riêng đối với bị can, bị cáo, theo nguyên tắc tố tụng hình sự, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, không nên quy định quyền yêu cầu GĐTP của các đối tượng này.

Vấn đề mô hình tổ chức GĐTP về pháp y cấp tỉnh, dự thảo quy định cấp tỉnh sẽ không còn giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự công an cấp tỉnh mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế. Tuy nhiên, ý kiến khác lại đề xuất giữ nguyên quy định này theo pháp lệnh hiện hành.

Ông Hiện cho hay qua khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động giám định pháp y tại một số tỉnh và lấy ý kiến các cơ quan chức năng địa phương trong cả nước, tổ chức giám định pháp y hiện nay đang trong tình trạng thiếu thống nhất, manh mún. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao theo phương án Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy trong bối cảnh các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế chậm được kiện toàn như hiện nay thì trước mắt vẫn chưa thể đảm đương được toàn bộ nhiệm vụ giám định pháp y.

“Mặc dù việc tập trung đầu mối về giám định pháp y ở cấp tỉnh là chủ trương đúng đắn nhưng vẫn cần có lộ trình thực hiện thích hợp… Trước mắt, ở các địa phương đang có giám định viên pháp y trong công an cấp tỉnh vẫn tiếp tục duy trì để thực hiện giám định pháp y về tử thi, bảo đảm phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng hình sự, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng” - ông Hiện kết luận. Do còn có ý kiến khác nhau nên dự thảo luật sẽ thể hiện cả hai phương án trình xin ý kiến Quốc hội.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Pháp điển hóa và dự án Luật Thư viện.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm