KHAI MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 3 KHÓA XI

Dự báo đúng để có quyết sách đúng

Ngoài việc thảo luận, cho ý kiến về tình hình KT-XH năm 2011 cũng như kế hoạch phát triển KT-XH năm sau như chương trình thường niên, hội nghị lần này còn quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch năm năm 2011-2015.

Xác định rõ các thứ tự ưu tiên

Chuẩn bị nội dung trên, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã xây dựng nhiều báo cáo, tài liệu, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Bộ Chính trị cũng đã dành một ngày nghe và cho ý kiến. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước chưa ổn định, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân vẫn còn không ít vấn đề phải khẩn trương giải quyết. Bên cạnh đó, thế giới đang đối đầu với khủng hoảng nợ công ở Mỹ và EU, chưa kể bất ổn chính trị Trung Đông, Bắc Phi, thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản... Tình hình đó sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến KT-XH nước ta, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận, đánh giá chính xác để có chủ trương, chính sách phù hợp. “Đánh giá chuẩn xác tình hình và dự báo đúng xu hướng phát triển là căn cứ rất quan trọng để có quyết sách đúng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị trung ương tập trung thảo luận với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, trả lời câu hỏi KT-XH nước ta đang ở đâu, đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất chưa, xu hướng sắp tới thế nào... Để có đánh giá chính xác, cần chú ý phân tích các mối quan hệ và thứ tự ưu tiên giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội...

Trên cơ sở đánh giá, trung ương sẽ đề ra mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất để định hướng cho Quốc hội xem xét, quyết định và Chính phủ tính toán các cân đối chủ yếu liên quan đến phương án tăng trưởng và nguồn vốn đầu tư, cân đối ngân sách, mức lạm phát, nợ công, nhập siêu ở mức hợp lý. Từ đó tạo cơ sở và điều kiện cho Chính phủ có thể linh hoạt điều hành phù hợp với cơ chế thị trường và tình hình kinh tế đang có nhiều biến động phức tạp.

Dự báo đúng để có quyết sách đúng ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị . Ảnh: TTXVN

Tăng thẩm quyền cho BCH Trung ương

Bên cạnh nhóm nội dung lớn trên, hội nghị lần này sẽ thảo luận về Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và Quy định những điều đảng viên không được làm. Các văn bản này trước đây đều do Bộ Chính trị quyết định, ban hành nhưng tại hội nghị lần thứ hai hồi tháng 7, trung ương đã quyết định để trung ương - cơ quan quyền lực của Đảng giữa hai kỳ đại hội thảo luận, ban hành.

Những nội dung mới của Quy định thi hành Điều lệ Đảng lần này chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Quy định nhiệm vụ của đảng viên cho phù hợp với quy định mới của Điều lệ Đảng khóa XI; bổ sung quy định về trách nhiệm của đảng viên trong việc thực hiện quyền phê bình, chất vấn, kiến nghị đối với cá nhân, tổ chức đảng... 

Quy định những điều đảng viên không được làm trước đây do Bộ Chính trị khóa X ban hành (Quy định số 115). Nay qua bốn năm triển khai, trung ương thấy cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số nội dung thuộc những lĩnh vực quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện suy thoái, hư hỏng, tiêu cực trong Đảng; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG:

Giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Về định hướng các giải pháp, cần chú ý các vấn đề rất quan trọng như: đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, cơ cấu lại đầu tư công; đổi mới, cơ cấu lại thị trường tài chính, tập trung ưu tiên cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế nhà nước; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp…

Ngoài ra cần chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội cấp bách như giáo dục, y tế, lao động, việc làm...; siết lại kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội…; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

NGHĨA NHÂN (Theo TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm