Điện Biên Phủ và vị tướng nhân văn

Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mac Donald trong công trình của mình Giáp, một sự đánh giá (1992) đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển của cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến… Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.

Bậc thầy về cách đánh

Tư tưởng quân sự truyền thống Việt Nam từ lịch sử là lấy nhỏ đánh lớn, “lấy đoản binh mà chế trường trận” (Trần Hưng Đạo), lấy yếu chống mạnh, “lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi), mưu trí sáng tạo, dĩ nhu xử cương... Đó là cách đánh sáng tạo của một dân tộc nhỏ yếu hơn chống lại kẻ thù lớn mạnh. Đó là nghệ thuật giành thế chủ động, kiên quyết tiến công nhưng không phiêu lưu mạo hiểm mà biết kết hợp bảo toàn lực lượng để tiết kiệm sức quân, tiết kiệm sức dân, bảo đảm kháng chiến lâu dài... Đây cũng là những nét văn hóa quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX nhưng đã có cơ sở từ bề dày ngàn năm giành và giữ nền độc lập của các thế hệ cha ông. Đó cũng là cách “cầm quân” của Võ Nguyên Giáp.

Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”.

Điện Biên Phủ và vị tướng nhân văn ảnh 1

Chân dung Võ Nguyên Giáp trên bìa tạp chí Time ngày 15-5-1972.

Chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân

Khi xác định đường lối xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong khởi nghĩa vũ trang cũng như trong chiến tranh cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng khởi nghĩa vũ trang là khởi nghĩa toàn dân “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” (1); chiến tranh cách mạng là chiến tranh nhân dân “Trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân” (2); quân đội ta là quân đội nhân dân, gắn bó với nhân dân. Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của cha ông về xây dựng lực lượng quân đội thời phong kiến: có quân triều đình, quân các lộ, các đạo hương binh, dân binh... Lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Khi coi trọng xây dựng bộ đội chủ lực “vẫn cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương” - coi đây “là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”(3). Tinh thần yêu nước luôn gắn liền với yêu dân, cứu nước gắn liền với cứu dân trong công cuộc giải phóng dân tộc, đã làm cho sức mạnh quân đội nhân dân Việt Nam được nhân lên gấp bội. Sức mạnh quân đội cũng là sức mạnh của toàn dân. Sức mạnh của lực lượng vũ trang là sức mạnh của ba thứ quân kết hợp với sức mạnh toàn dân đã tạo thành sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là người lãnh đạo trực tiếp và làm nên thành công cho sự nghiệp xây dựng một quân đội nhân dân Việt Nam theo những tư tưởng lớn đó.

Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay trong Chiến thắng bằng mọi giá – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy của vị tổng tư lệnh nổi tiếng của quân đội nhân dân Việt Nam, đã nhận xét rằng: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đã tiến hành chiến đấu chống kẻ thù trong thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu không có quân, vậy mà liên tiếp đánh bại quân Nhật, quân đội Pháp, quân đội Mỹ… Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân” (4).

Điện Biên Phủ và vị tướng nhân văn ảnh 2

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

“Văn võ song toàn, đức tài trọn vẹn”

Ông đến với các chiến sĩ, đồng chí, đồng bào bằng tình cảm của một người thân thiết. Ông là một tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Với gần 100 tác phẩm về tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân… Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

câu chuyện kể rằng khi một học giả nước ngoài nêu câu hỏi: “Tại sao một nhà giáo về sử học, về luật pháp, được Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào lại là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược?”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời: “Câu hỏi này xin hỏi lại Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Câu trả lời đó đã nói lên nhiều điều nhưng lại làm nảy sinh thêm một câu hỏi: Tại sao Bác Hồ khi lựa chọn một “võ tướng”, lại giao trách nhiệm “cầm quân” cho một nhà sử học, một nhà văn hóa. Câu trả lời còn bỏ ngỏ, song lịch sử đã cho thấy rằng sự lựa chọn của Bác là hoàn toàn xác đáng.

Võ Nguyên Giáp - tướng Giáp, anh Văn - như mọi người quý trọng và thân thiết gọi ông - chính là người thực hiện trực tiếp và xuất sắc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, phát huy tài thao lược, cách đánh giặc của dân tộc trong thời đại mới, góp phần quan trọng phát triển hoàn thiện một Học thuyết quân sự Việt Nam - một phần đáng tự hào trong di sản văn hóa truyền thống Việt Nam. Truyền thống đánh giặc của dân tộc, truyền thống thao lược và nhân văn, được Võ Nguyên Giáp làm tỏa sáng đã làm nên sức mạnh to lớn dẫn dắt quân và dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng trong thế kỷ XX rực lửa. Ông là người chỉ huy văn võ song toàn, là một tổng tư lệnh đức tài trọn vẹn.

Một thống soái quân sự lớn

G. Bonnet, trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp, đã viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993) viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

Tướng Mỹ Westmoreland thừa nhận: “Ông Giáp có tất cả đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh”.

NGÔ VƯƠNG ANH

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 3, tr 554.

2. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr 409.

3. Hồ Chí Minh với lực lượng vũ trang nhân dân - NXB QĐND, Hà Nội, 1975, tr 9; 30.

4. Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân, của hòa bình – Nxb Lao động, Hà Nội, 2009, tr 222.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm