Đi vay đảo nợ mà lại... “ngoi khỏi vực thẳm”!

Trong phiên Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) ngày 24-10, bên cạnh những ý kiến đánh giá lạc quan “nền kinh tế bước đầu đã ngoi khỏi vực thẳm” thì cũng có không ít ý kiến bi quan khi thấy “ngân sách khó khăn, phải vay để đảo nợ”, rồi ngay cả đến trụ đỡ của nền kinh tế là sản xuất nông nghiệp cũng bắt đầu lao đao, gặp khó…

Có làm gì đâu mà đóng thuế

Nhìn lại chặng đường phát triển KTXH trong thời gian qua, đại biểu (ĐB) Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng so với năm 2011 thì năm 2013 “cơ bản đã thoát khỏi vực thẳm”. Điều ông Lai quan tâm lúc này là có giải pháp để đưa “đồng tiền đến được với nơi cần đến”. “Đây là yếu tố quan trọng nhất. Bởi nếu đồng tiền không lưu thông thì tất cả đều sẽ bằng không” - ông Lai nêu ý kiến.

Không lạc quan như ông Lai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền tỏ ra hết sức lo lắng khi phản ánh: “Ngân sách khó khăn đến mức phải vay để đảo nợ chứ không còn vay để trả nợ nữa!”. “Muốn đánh giá đúng tình hình kinh tế thì nên nhìn vào hoạt động của các doanh nghiệp (DN) chứ đừng nghĩ rằng giảm thu ngân sách do miễn, giãn, giảm thuế. Bởi DN nói với chúng tôi rằng “Có làm ăn, hoạt động gì đâu mà đóng thuế”” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc bổ sung.

Đi vay đảo nợ mà lại... “ngoi khỏi vực thẳm”! ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Ảnh: THÀNH VĂN

Ông Phúc cảnh báo thêm một thực trạng hết sức lo ngại là sự xuống dốc của sản xuất nông nghiệp. “Từ trước đến nay, khi nền kinh tế gặp khó khăn, sản xuất công nghiệp đình đốn thì nông nghiệp luôn là chỗ đệm, là trụ đỡ để vực dậy cả nền kinh tế. Nhưng hiện nay nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn cả về sản xuất lẫn tiêu thụ. Do đó, nếu Nhà nước không sớm có giải pháp hỗ trợ thì tình hình sẽ hết sức lo ngại, khó khăn sẽ ngày một lớn” - ông Phúc nói.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), khó khăn của sản xuất nông nghiệp có lỗi từ phía cơ quan quản lý. Cụ thể như việc để xảy ra tình trạng thương lái Trung Quốc mua vét nguyên vật liệu từ thủy hải sản đến nông sản. “Đồng bào miền Trung nói rằng trong bảy, tám năm nay Nhà nước không có định hướng cho nông dân trồng cây gì để rồi hai cơn bão làm cho hàng ngàn hecta cao su gãy hết. Rõ ràng cơ quan nhà nước đứng ngoài cuộc. Tổng thể định hướng nông nghiệp không có” - ông Đương nhận xét.

Mạnh tay tinh giản bộ máy

Đề cập về những giải pháp phát triển KTXH trong thời gian tới, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho rằng bên cạnh những vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế thì đòi hỏi phải có ngay giải pháp để tinh giản bộ máy. “Với bộ máy phình to như hiện nay thì không biết 10-15 năm nữa ngân sách nhà nước có còn lo nổi không. Do đó, dứt khoát chúng ta phải giảm đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng các lãnh đạo là cấp phó chứ nếu không khó mà yên ổn được” - ông Cự kiến nghị.

Ông Cự khẳng định: “Có cho nghỉ 30% công chức, viên chức đi nữa thì bộ máy làm vẫn ngon lành”. Dẫn chứng được ông Cự nêu ra là ở Hà Tĩnh trước đây, có sở, ngành tồn tại 8-9 ban nhưng sau đó tỉnh quyết định nhập vào làm một. “Nhờ đó, bộ máy giảm được bao nhiêu người, bao nhiêu cấp phó, bao nhiêu tiền ngân sách mà công việc vẫn hoàn thành trọn vẹn”.

Chung nhận định, ông Đương cho rằng việc nói ít nhất 30% công chức không làm được việc là đúng, là thực chất. Còn báo cáo của Bộ Nội vụ nói chỉ 1% công chức không làm được việc cũng không sai nhưng không phù hợp thực tế. “Cán bộ, công chức mình khi bình bầu thi đua ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, lao động tiên tiến cả, có ai không hoàn thành nhiệm vụ đâu. Toàn nể nhau, thậm chí không hoàn thành cho hoàn thành, tiên tiến cho xuất sắc để lên lương, để tập thể cùng tốt. Hàng chục ngàn công chức như thế lấy đâu ngân sách nuôi, tăng lương làm sao tăng được”.

Ông Đương đề nghị tới đây trong nghị quyết của QH, ngoài định tính tăng GDP phải có chỉ tiêu yêu cầu hằng năm giảm 1%-2% công chức ở cơ quan hành chính nhà nước. “Làm thế nào để từng cơ quan phải tự làm với nhau chứ không nên hô hào chung chung khó thay đổi tình hình” - ông Đương nhấn mạnh.

Siết chặt kỷ cương

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các DN đình đốn, người lao động mất việc làm, thất nghiệp nhiều… thì một trong những chỉ đạo điều hành quan trọng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấp hành pháp luật. Càng khó khăn thì kỷ cương càng phải siết chặt chứ kỷ luật, kỷ cương không nghiêm sẽ khiến dân mất lòng tin.

Ngoài ra, cần thắt chặt mọi chi tiêu, cương quyết cắt những dự án, kể cả đã duyệt rồi nhưng chưa có nguồn, những dự án mang lại hiệu quả không cao. Chứ nếu cứ phát hành trái phiếu chính phủ thì về sau dân trả nợ ra sao?

Ông NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

DNNN không muốn cổ phần hóa

Về tái cơ cấu nền kinh tế, DNNN báo cáo của Chính phủ nói “đạt được kết quả bước đầu”. Nhưng chúng tôi đi thực tế thì các địa phương nói đều rất lúng túng và hầu hết mới triển khai trình duyệt các đề án. Triển khai như thế thì làm sao tái cơ cấu được.

Chưa kể các DNNN không muốn cổ phần hóa đâu vì họ vẫn muốn được chi phối. Do đó, chúng ta tái cơ cấu mà để các đơn vị tự lập đề án thì chậm là đúng thôi, bởi vì lợi ích mà. Do đó, cần phải lập ban chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu DNNN thì mới đẩy nhanh việc thực hiện được.

Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế

Phá xong rừng mới bàn quy hoạch

Khó khăn của nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng là do chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch. Ví dụ, rừng lẽ ra phải quy hoạch từ trước nhưng đến nay cạn kiệt hết rồi, không còn gì để khai thác nữa thì mới mang ra bàn về quy hoạch.

Hay như thủy điện, để xây dựng tràn lan khắp mọi nơi, hết chỗ xây rồi, đến giờ cũng mới đem ra bàn quy hoạch. Quy hoạch thế là đi sau chứ đâu phải đi trước! Nếu chúng ta quy hoạch trước thì làm gì có chuyện tỉnh nào cũng thấy có cảng biển, sân bay, làm gì có chuyện chỗ nào cũng xây thủy điện, hết sức lãng phí và gây nhiều hệ lụy.

Ông VÕ KIM CỰ, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm