Đề nghị chưa thông qua quy hoạch thủy điện

a“Điều gì hấp dẫn nhà đầu tư các dự án thủy điện (TĐ) nhỏ? Nếu Nhà nước đấu thầu khai thác rừng ở nơi dự kiến làm lòng hồ TĐ xong rồi giao lại đất trống cho doanh nghiệp (DN) làm hồ TĐ thì họ có đầu tư không?” - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Núp bóng để cạo sạch rừng

Như để trả lời cho câu hỏi trên, ĐB Huỳnh Minh Thiện cảnh báo nguy cơ nhà đầu tư lợi dụng làm dự án TĐ nhỏ để nhảy vào những vùng giàu tài nguyên nhằm khai thác gỗ rừng, khoáng sản. Trong khi đó thì chất lượng công trình TĐ sơ sài, phó mặc người dân phải gánh chịu thiệt hại kép. “Bộ Công Thương báo cáo diện tích rừng bị lấy làm TĐ đến hơn 50.000 ha mà Bộ NN&PTNT lại báo rằng chỉ mất 19.000 ha rừng. Con số nào đáng tin khi chênh lệch quá lớn đến hơn 30.000 ha?” - ông Thiện đặt vấn đề.

Nhiều ĐB cũng bày tỏ lo ngại trước việc các dự án TĐ lơ là nghĩa vụ trồng rừng thay thế. Hiện diện tích trồng rừng thay thế chỉ đạt 3,7% diện tích rừng đã xóa để làm TĐ và nhà đầu tư còn đề xuất nộp tiền cấn trừ thay nghĩa vụ này vì không tìm được đất để trồng rừng. “Rừng trồng đã không thể khôi phục bằng rừng tự nhiên rồi nhưng nếu có trồng thì còn có thể giải thích với cử tri rằng chúng ta đánh đổi để có điện cho sinh hoạt và sản xuất. Nhưng không thể chấp nhận để đến mức này. Nguy cơ về lũ ống, lũ quét rất căng thẳng!” - ông Thiện nhấn mạnh.

Đề nghị chưa thông qua quy hoạch thủy điện ảnh 1

“Mấy trăm dự án thủy điện bị loại là vì không có nhà đầu tư nào đăng ký. Vậy phải chăng quy hoạch thủy điện hiện nay là ngồi cộng lại các dự án nhà đầu tư đã xí phần?” ĐBQH Trần Du Lịch. “Tôi chỉ đồng ý thông qua nghị quyết loại bỏ những dự án thủy điện không khả thi như kết quả rà soát chứ không chấp nhận nghị quyết thừa nhận quy hoạch thủy điện còn bất ổn đó.” ĐBQH Nguyễn Văn Minh

Dẹp bỏ các TĐ nhỏ

Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập cho biết nhiều ý kiến trong đoàn đã đồng tình cùng kiến nghị chấm dứt hẳn chuyện quy hoạch những dự án TĐ nhỏ vì quá nhiều rủi ro, lợi bất cập hại. TĐ nhỏ không đóng góp bao nhiêu sản lượng điện mà mất rừng, mất đất, xáo trộn môi trường, đời sống người dân, hậu quả khó lường.

Theo báo cáo của CP, trong quy hoạch TĐ cả nước có 1.239 dự án thì có đến 1.109 dự án TĐ nhỏ nhưng chỉ đóng góp khoảng 26% sản lượng điện. “Chúng ta có thể dùng những công nghệ năng lượng khác để thay thế: điện mặt trời, điện gió… Như vậy, sau này chỉ nên quy hoạch làm những dự án TĐ lớn thôi” - ông Lập cho hay.

ĐB Dương Trung Quốc cũng cho rằng nếu giờ không chấn chỉnh cách làm TĐ thì sẽ có tội với con cháu mai sau. “Cần đánh giá lại lợi ích các TĐ nhỏ “mì ăn liền”, sản lượng điện thấp mà phá rừng thì nhiều, tính ra thì lợi ích âm, lãng phí tài nguyên” - ông Quốc kiến nghị.

Nhấn nút thông qua là kẹt luôn

Nói về quy hoạch tổng thể các dự án TĐ, ĐB Trần Du Lịch nhận xét: “Không ổn! Mấy trăm dự án TĐ bị loại là vì không có nhà đầu tư nào đăng ký. Vậy phải chăng quy hoạch TĐ hiện nay là ngồi cộng lại các dự án nhà đầu tư đã xí phần?”.

Từ đó, ông Lịch cảnh báo kẽ hở pháp lý rất lớn đang chờ các ĐBQH nhấn nút thông qua. “Cho dù kết quả rà soát đã loại bỏ rất nhiều dự án TĐ kém hiệu quả nhưng nếu QH đồng ý biểu quyết thông qua quy hoạch này thì các dự án TĐ còn lại trong quy hoạch tính sao? Các dự án đó, nếu sau này báo cáo đánh giá tác động môi trường không đạt, không được phê duyệt đầu tư thì nhà đầu tư có viện cớ rằng dự án TĐ ấy đã được QH - cơ quan quyền lực cao nhất - phê chuẩn rồi không. Vậy thì ai có quyền bác dự án nữa? Chúng ta thông qua quy hoạch những dự án TĐ này thì lúc đó kẹt luôn, không biết nói sao với dân” - ông Lịch thận trọng.

ĐB Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng không thể nhấn nút thông qua quy hoạch này được. “Tôi chỉ đồng ý thông qua nghị quyết loại bỏ những dự án TĐ không khả thi như kết quả rà soát chứ không chấp nhận nghị quyết thừa nhận quy hoạch TĐ còn bất ổn đó. Tôi cũng kiến nghị rà soát tổng thể những dự án TĐ đã bị dừng lại và phải công bố rõ hiện trạng những dự án ấy ra sao. Nếu đập TĐ chưa xây nhưng họ đã phá rừng lấy gỗ hết rồi thì phải xử lý làm sao, khắc phục thế nào? Không phải dừng dự án rồi xí xóa, thoát” - ông Minh nói.

Hiện nay nhiều công trình TĐ chưa có quy chế phòng, chống lụt bão. TĐ Sông Tranh 2 đến giờ này cũng chưa ai khẳng định an toàn hay chưa. Không có giấy chứng nhận an toàn là không được. CP, Bộ Công Thương phải rà soát lại toàn bộ, trả lời để người dân yên tâm.

Ngoài ra, đời sống đồng bào dân tộc miền núi sau di cư nhường đất cho TĐ còn rất khó khăn, vì thế cũng cần phải xem lại đã lo cho dân nghiêm túc hay chưa.

Chủ tịch QH NGUYỄN SINH HÙNG

Năm 2012, Bộ Công Thương hứa sẽ rà soát, kiểm định các hồ chứa nước TĐ nhưng đến nay vẫn chưa thấy công bố kết quả. Hồ TĐ trên thượng nguồn như mấy túi bom nước treo trên đầu dân. Hiện có đến 55% TĐ nhỏ chưa có phương án phòng, chống lụt bão. Trong khi đó, bão lũ thì liên miên, vậy mà vẫn được tích nước, vận hành. Lấy gì đảm bảo cho người dân, xảy ra chuyện thì sao?

ĐBQH NGUYỄN VĂN MINH (TP.HCM)

BÌNH MINH - THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm