Để dân góp ý chỉ tốt, không hại!

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương nhấn mạnh: “Tôi đề nghị trong phần xây dựng Đảng, nhà nước của dự thảo văn kiện Đại hội XI dứt khoát phải bổ sung nội dung xây dựng và hoàn thiện cơ chế cụ thể đảm bảo cho người dân thực thi quyền giám sát đối với các cơ quan quyền lực cũng như hoạt động của Đảng và cán bộ, đảng viên”.

Hứa với dân thì phải làm

. Vì sao ông lại đề nghị như vậy?

+ Vấn đề này đã được đề cập khá rõ trong Nghị quyết Đại hội X. Trong đó có nêu rõ nhiệm vụ xây dựng nhà nước là xây dựng các biện pháp và quy chế giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng, nhà nước và cán bộ, đảng viên. Đồng thời văn kiện Đại hội X cũng có nói rõ hoạt động của nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân. Đó là mặt tích cực quyết tâm của Đảng trong Đại hội X nhưng rất tiếc trong dự thảo văn kiện Đại hội XI lại không đặt vấn đề này. Rõ ràng như vậy là tầm văn kiện Đại hội XI thấp hơn Đại hội X. Tôi thấy vậy là không nghiêm túc! Đảng đã hứa với dân từ năm 2006, nếu đến nay chưa làm được thì trong 10 năm còn lại phải làm cho bằng được. Phải chăng những người tham gia dự thảo văn kiện quên đi. Nếu thế thì Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội XI phải được thảo luận chuyện này và đưa vào nghị quyết và chuyện này dứt khoát phải làm, không còn chỗ lùi nữa rồi.

. Ông nói không còn chỗ lùi nữa nghĩa là như thế nào?

+ Như dự thảo văn kiện Đại hội XI đánh giá, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy huân chương chưa được ngăn chặn, cộng với sự yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong việc thừa hành nhiệm vụ,… làm tăng thêm bức xúc và giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Rồi tình trạng chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát và thực hiện đường lối, chủ trương của nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Đại hội Đảng… cho thấy cần phải đặt ra vấn đề giám sát quyền lực một cách cấp bách.

Để dân góp ý chỉ tốt, không hại! ảnh 1

Việc ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu xài lãng phí của công… của một bộ phận đảng viên sẽ được hiệu quả hơn khi có sự giám sát của người dân. Trong ảnh: Một phiên xử tham nhũng đất đai ở Công ty Gò Môn, TP.HCM trong đó có những bị cáo là đảng viên. Ảnh: HTD

Giám sát quyền lực để đẩy lùi tham nhũng

. Vậy phải chăng lâu nay quyền lực không được giám sát nên mới có tình trạng như vậy?

+ Hiến pháp đã nói rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng Đảng không đứng trên Hiến pháp, pháp luật. Đảng Cộng sản hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân. Trong Điều lệ Đảng cũng khẳng định điều này và hoàn toàn đúng với tư tưởng của Lênin. Với tư tưởng đó, Đại hội X đề ra nhiệm vụ phải đặt hoạt động của Đảng, nhà nước và cán bộ, đảng viên dưới sự giám sát của người dân. Do vậy, đại hội lần này chúng ta phải xây dựng cho được một cơ chế để đảm bảo quyền giám sát của người dân đối với hoạt động của Đảng, nhà nước và cán bộ, đảng viên. Cơ chế này phải pháp điển hóa nó ra, pháp quy hóa nó ra để thực thi được. Đây cũng là một giải pháp quan trọng bậc nhất ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu xài lãng phí của công, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ đảng viên.

. Theo ông thì cơ chế giám sát quyền lực phải chứa đựng những tư tưởng gì?

+ Trước hết phải dân chủ. Khâu đầu tiên trong dân chủ là để người dân tham gia bầu cử một cách thực sự dân chủ. Những ứng cử viên nơi ấy phải trình bày quan điểm của mình để cho đảng viên, cho người dân có ý kiến, đến cấp chủ tịch xã cũng vậy. Quyền lực của người dân là phải được giám sát bầu cử, ứng cử, phải biết rõ gốc tích của những người ứng cử từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

Việc thứ hai là phải minh bạch. Công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, trừ những vấn đề bí mật như an ninh quốc phòng thôi. Phần lớn các chính sách đối nội, đối ngoại thì người dân phải được biết để tránh cái duy ý chí của mấy ông lãnh đạo địa phương. Những chương trình, những dự án, những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội từ cấp xã, huyện… người dân phải biết. Cho nên tất cả hoạt động phải công khai, minh bạch để dân tham gia. Dân tham gia chỉ có tốt chứ không có hại gì cả!

Công khai cả chế độ dành cho lãnh đạo

. Vừa qua, Quốc hội có đề cập đến một số luật như Luật Tiếp cận thông tin, LuậtTrưng cầu ý dân nhưng sau đó không bàn nữa. Theo ông, những luật này có cần thiết giúp dân trong việc giám sát quyền lực?

+ Đồng ý rồi. Như tôi đã nói lúc nãy, những chuyện ấy phải được đưa ra và pháp điển hóa thành luật hẳn hoi. Người dân phải có quyền biết từ tổng bí thư đến thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch tỉnh... lương bao nhiêu, chế độ ra sao. Phải công khai, minh bạch trong cả các chế độ, chính sách các quan chức được thụ hưởng.

Một vấn đề nữa, tạo điều kiện trong xét xử để mọi người bình đẳng trước pháp luật. Tội nào phải bị xử theo tội đó… Những vấn đề này hiến pháp đã nói cả rồi, chẳng có gì mới cả. Chúng ta chỉ cần làm đúng theo những điều ấy là đã góp phần vào việc giám sát của người dân đối với Đảng và nhà nước rồi. Làm được như thế là đã giảm hẳn bức xúc của xã hội rồi.

. Xin cảm ơn ông.

Lãnh đạo phải noi gương

Tổng thống Peru Alan Garcia ban hành quyết định cấm tất cả cơ quan nhà nước trên toàn quốc dùng công quỹ để mua rượu bia chiêu đãi hoặc mời khách bất kỳ ngày lễ nào. Ngay khi nhận chức tổng thống, để làm gương ông đã tự hạ mức lương tháng của mình từ 13.000 USD xuống còn 5.000 USD. Ông còn đem bán chiếc chuyên cơ dùng riêng cho tổng thống để lấy tiền xây bệnh viện cho người nghèo. Các quan chức đi nước ngoài đều phải đi bằng máy bay thương mại, ngủ tại các đại sứ quán hoặc nhà công vụ. Peru là một nước nghèo, họ làm được như vậy mà mình không làm được à? Và muốn làm được trước hết lãnh đạo phải noi gương như Peru đã làm.

THU HẰNG - NGUYỄN DÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.