Dân “tự xử”, tội phạm lộng hành

Đó là những mặt hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP) được chỉ ra tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17-9.

Tội phạm thách thức pháp luật

Báo cáo về tình hình an ninh trật tự quốc gia của Chính phủ - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao cho thấy toàn cảnh công tác đấu tranh PCTP, vi phạm pháp luật đang diễn biến rất phức tạp. Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tư pháp cho rằng báo cáo này chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật, chưa thể hiện được công tác phát hiện, xử lý tội phạm trong quân đội, trong lĩnh vực hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển. Báo cáo cũng chưa phân tích sâu được nguyên nhân chính diễn biến tình hình tội phạm để có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Đại biểu Đỗ Văn Đương nhận xét báo cáo về tình hình tội phạm quốc gia chưa phản ánh toàn diện, chỉ mới thể hiện được kết quả PCTP của Bộ Công an. Trong khi đó, còn rất nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực y tế, khoáng sản, an toàn thực phẩm, đất đai thì không rõ.

Dân “tự xử”, tội phạm lộng hành ảnh 1

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cảnh báo về tình hình tội phạm diễn ra nghiêm trọng hơn so với trước đây. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, nhìn chung tổng số tội phạm tuy có giảm nhưng tội phạm an ninh quốc gia tăng, tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức tăng lên, thủ đoạn táo bạo, thách thức pháp luật. “Số liệu phạm pháp chỉ là phần nổi, còn nhiều vụ nhỏ dân không báo án. Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao. Dân hành xử bất chấp quy định pháp luật! Nơi thì đánh chết người trộm chó, nơi chống người thi hành công vụ. Ngay tại Hà Nội, trên con đường nào cũng có vi phạm giao thông, lấn tuyến, vượt ẩu, ngay cả lái xe tôi cũng vi phạm” - ông Ksor Phước bày tỏ lo âu.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cảnh báo về tình hình tội phạm diễn ra nghiêm trọng hơn so với trước đây. “Những cụm từ “đáng báo động”, “rất nghiêm trọng”, “man rợ”, “tàn bạo”… xuất hiện rất nhiều trong báo cáo về tội phạm ma túy, cướp tài sản, giết người của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tội phạm xảy ra trên khắp các lĩnh vực, trong gia đình ra ngoài xã hội, trong y tế, giáo dục rồi đến cả cơ quan pháp luật… Nữ sinh thì đánh nhau xé áo quần, quay clip, ngày khai giảng thì nam sinh bị đâm vì quá đẹp trai, vợ chồng giết nhau có ngày xảy ra mấy vụ” - bà Doan nói.

Có dấu hiệu bảo kê

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cảnh báo một hiện tượng đáng lưu tâm: “Một bộ phận cán bộ chính quyền có dấu hiệu bảo kê cho hoạt động tội phạm, nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, vận tải hành khách”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng dấu hiệu cán bộ có chức quyền bảo kê cho hành vi phạm pháp dễ thấy qua tình trạng những vi phạm pháp luật ngang nhiên xảy ra ngay cạnh các cơ quan có trách nhiệm. Tiêu cực trong hoạt động tư pháp dân tố cáo cũng nhiều nhưng làm rõ thì khó. Tổ chức Minh bạch thế giới đã xếp tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp đứng thứ năm tại Việt Nam. Một số đại biểu cũng phản ánh tình trạng Bộ Công an về làm án tỉnh, công an tỉnh về làm án huyện, xã thì mới phá án, bắt được tội phạm. Chưa kể còn phải làm án bí mật, lộ thông tin ra thì cũng không triệt phá được. Chính quyền cơ sở địa phương có nơi bị tê liệt nên chất lượng đấu tranh với tội phạm chưa đạt.

Dân không tin nên “tự xử”

Phân tích tình trạng “người dân dễ dàng phạm tội” bất chấp pháp luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng nguyên nhân có phần do việc phát hiện, điều tra, xét xử tội phạm chưa đạt yêu cầu khiến “lòng tin của người dân đang bị thách thức. Dân không tin nên tự xử”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: “Có oan sai không? Có! Cụ thể, có 218 trường hợp bị bắt khẩn cấp nhưng sau đó có quyết định đình chỉ, miễn truy cứu hình sự, chuyển sang xử lý hành chính; 13 vụ bị truy tố không chính xác sau đó tòa án tuyên không phạm tội. Rồi những vụ giải quyết chậm (vụ chìm tàu ở Cần Giờ chậm khởi tố), đình chỉ vụ chìm tàu Dìn Ký không đúng quy định… Án xử hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần, hủy án, sửa án nhiều lần. Như thế dân tin sao được!”.

Phân tích diễn biến tội phạm ngày càng phức tạp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng ngoài nguyên nhân quản lý nhà nước có nhiều sơ hở trong các lĩnh vực, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng thì đáng lo ngại là “niềm tin nhân dân giảm sút do nhìn vào đạo đức đảng viên, cán bộ vi phạm nhưng được xử lý nương nhẹ”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thẳng thắn: “Ba ngành Công an - Tòa án - VKS phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp là xử nặng nhưng xử nặng có giải quyết được gốc vấn đề không? Công tác điều tra, truy tố, xét xử có nghiêm chỉnh chưa? Đừng đưa ra nguyên nhân do trình độ hạn chế. Bảo kê thì sao, phải có trình độ cao lắm, am hiểu luật pháp lắm mới lách luật, bảo kê được tội phạm chứ. Đến xét xử mà còn dám nhân danh Nhà nước phát hành ra hai bản án khác nhau thì dân tin sao được!”.

Nhiều loại tội phạm giảm

Năm 2013, tình hình tội phạm đã được kiềm chế, nhiều loại tội phạm giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, phương thức phạm tội ngày càng tinh vi, chống trả quyết liệt. Tội phạm giết người giảm 0,55%; chống người thi hành công vụ giảm 6,54%; đánh bạc giảm 16,6%; cướp tài sản giảm 15,3%...

Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có xu hướng phức tạp trở lại, chủ yếu ở dạng bảo kê, siết nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản (tăng 20,9%), tổ chức cho vay nặng lãi, cá độ, xu hướng sản xuất, mua bán ma túy tổng hợp dạng đá tăng nhanh... Tội phạm tham nhũng nhất là tham ô, môi giới, nhận hối lộ phát hiện ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu trong các lĩnh vực hành chính công, đầu tư công, quản lý tài sản công, xây dựng cơ bản, gây bức xúc dư luận ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với một số cơ quan nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Công an LÊ QUÝ VƯƠNG

Án quá hạn giảm gần 50%

Toàn ngành TAND đã giải quyết được 270.100/356.650 vụ án thụ lý (đạt 76%), dự kiến cuối tháng 9-2013 sẽ giải quyết đạt trên 85% án thuộc thẩm quyền. So với 2012, số án thụ lý tăng 31.218 vụ; án đã giải quyết tăng 24.301 vụ; án quá hạn do lỗi của chủ quan của tòa án đã giảm gần 50%.

Chất lượng xét xử được đảm bảo, tỉ lệ án bị hủy, sửa giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Việc xét xử án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Tỉ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự đạt 53%.

Phó Chánh án TAND Tối cao NGUYỄN SƠN

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm