Dân muốn biết có thật sự chống tham nhũng không

Dân muốn biết có thật sự chống tham nhũng không ảnh 1
Đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của khóa X và đi tìm mô hình Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCTN tối ưu nhất để thúc đẩy cuộc chiến chống giặc nội xâm là những nội dung đang được Hội nghị Trung ương 5 bàn thảo. Đây cũng là vấn đề được Pháp Luật TP.HCMnêu trong buổi trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ban bệ đồ sộ nhưng kết quả chưa đạt

. Phóng viên: Trong những ngày tới, Hội nghị Trung ương 5 sẽ đánh giá lại toàn diện công tác PCTN từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đến nay và quyết định các giải pháp kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động BCĐ Trung ương về PCTN. Ông theo dõi sự kiện này thế nào?

+ Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Tôi rất quan tâm. Hội nghị này nằm trong chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, kế tiếp Trung ương 4 “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. PCTN lại là một nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, kết quả của Trung ương 5, ở nội dung về công tác PCTN sẽ tác động rất lớn đến khả năng xoay chuyển tình hình, đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống.

Trung ương 5 sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), thực chất là đánh giá công tác PCTN của khóa X. Đánh giá sâu, phân tích sâu thì tập thể trí tuệ của Đảng sẽ bàn. Nhưng còn kết quả thì như Văn kiện Đại hội XI đã chỉ ra: “Công tác PCTN, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra...”.

Nguyên nhân của những yếu kém ấy thì có nhiều. Nhưng theo tôi, trực tiếp nhất là vấn đề BCĐ - không chỉ về mô hình mà cả tính chủ động, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì và trách nhiệm của từng thành viên BCĐ, từ trung ương tới địa phương. Tại sao lập cả một ban bệ đồ sộ như vậy mà rồi kết quả lại như thế?

Dân muốn biết có thật sự chống tham nhũng không ảnh 2

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trao giải cho đại diện các đơn vị tham gia Chương trình sáng kiến PCTN năm 2011. Ảnh: TTXVN

Không nên tiếp tục chung chung mãi

. Thưa ông, đang có ý kiến rất khác nhau về mô hình BCĐ, thậm chí có cả kiến nghị giải tán cơ cấu này. Dường như chúng ta đang rất lúng túng với việc tìm một mô hình tổ chức thích hợp thúc đẩy công tác PCTN?

+ Cá nhân tôi cho rằng chúng ta không nên tiếp tục PCTN chung chung. Phòng là cần thiết nhưng đây là việc làm thường xuyên, gắn liền với việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật của mọi cơ quan nhà nước. Còn bây giờ, với tinh thần “cấp bách” của Nghị quyết Trung ương 4 thì phải đẩy mạnh chống, coi đó là nhiệm vụ chính của BCĐ trong thời gian tới. Trên cơ sở đó mới chọn xem mô hình nào là phù hợp nhất.

Tôi được biết Trung ương lần này thảo luận về ba mô hình BCĐ: Kiện toàn trên cơ sở như hiện nay, hoặc chuyển vào hệ thống cơ quan Đảng do Tổng Bí thư hoặc Thường trực Ban Bí thư đứng đầu, hoặc đặt sang QH. Việc có nhiều phương án như vậy chứng tỏ Bộ Chính trị còn nhiều phân vân. Lúc này rất cần sự bình tĩnh, sáng suốt của Trung ương để quyết định.

. Ông nghiêng theo phương án nào?

+ Tôi ủng hộ phương án đặt BCĐ ở QH theo cách giới thiệu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương sang làm phó chủ tịch QH kiêm trưởng BCĐ hoặc ngược lại một phó chủ tịch QH là ủy viên Bộ Chính trị hoặc bí thư Trung ương Đảng làm trưởng ban, đồng thời được bổ sung làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Còn Văn phòng BCĐ hiện nay được chuyển thành cơ quan thường trực của BCĐ. Như thế, việc chống tham nhũng vừa huy động được sự tham gia của cơ quan kiểm tra Đảng và vẫn đảm bảo được yêu cầu công khai, minh bạch, bị giám sát, thông qua việc báo cáo hằng năm trước QH...

Trách nhiệm của năm vị đầu lĩnh

. Xem ra không có mô hình nào là hoàn hảo cả. Giả sử Trung ương tới đây chọn được mô hình tối ưu nhất thì theo ông điều kiện kèm theo để BCĐ mới hoạt động có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác PCTN là gì?

+ Truyền thống ở ta, BCĐ nào cũng kiêm nhiệm là chủ yếu. Chính các đồng chí BCĐ Trung ương về PCTN cũng tự kiểm điểm là các thành viên kiêm nhiệm, chủ yếu dành thời gian cho công việc chính của mình chứ còn tham gia việc BCĐ có được bao nhiêu.

Cho nên dù mô hình mới thế nào thì cũng phải đổi mới phương thức làm việc của các thành viên BCĐ. Ban ấy có lẽ không cần đông, mà phải tập trung vào đại diện mấy cơ quan pháp luật, cơ quan kiểm tra, tổ chức của Đảng, để người thực, việc thực, vụ việc thực có vướng mắc, phát sinh là chỉ đạo giải quyết ngay. Cơ quan thường trực của BCĐ cũng vậy, chỉ gần gọn nhẹ nhưng phải tinh nhuệ. Kinh nghiệm bộ phận thường trực Trung ương 6 (2) trước đây (về chỉnh đốn Đảng) chỉ 12 người nhưng đã làm được khá nhiều việc chứ đâu to lớn gần 100 con người như Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN hiện nay.

Ngoài ra, để có chuyển biến thực sự trong công tác PCTN thì khóa nào cũng vậy, điều kiện tiên quyết là Bộ Chính trị phải thực sự quyết tâm và thống nhất cao, mà trước tiên là năm đồng chí đầu lĩnh: Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH. Người dân vẫn nghi ngờ là Đảng có thực sự chống hay không? Chúng ta phải trả lời câu hỏi ấy.

. Xin cảm ơn ông.

Về mô hình BCĐ PCTN hiện tại, từ hồi làm Luật PCTN, Thường trực BCĐ Trung ương 6 (2) đã có văn bản không đồng tình. Tâm lý chung vẫn là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khó làm. Với lại, các đồng chí hành pháp có lẽ nên tập trung vào công việc điều hành vốn đã rất vất vả, phức tạp, để cho một bộ phận khác độc lập giúp mình chống tham nhũng thì hơn.

Ông VŨ QUỐC HÙNG

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm