ĐỀ ÁN CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TP.HCM

Đã thí điểm thì phải “vượt rào”

“Cái gì để phục vụ nhân dân tốt hơn thì chính quyền nên cố gắng hết mức và nên làm; chứ không nên vì nó chưa có tiền lệ, vì cái này đụng chạm với pháp luật hiện hành mà không dám kiến nghị để làm”. Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại hội nghị lấy ý kiến các ban, bộ, ngành trung ương về Dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) TP.HCM, do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 18-9.

Có lộ trình từng bước chắc chắn

Bày tỏ sự ủng hộ cao đối với nỗ lực xây dựng đề án CQĐT TP.HCM, ông Tùng cho rằng quản lý một TP lớn nhất nước, phức tạp và đông dân như thế này mà mô hình quản lý lại giống một tỉnh nhỏ, dân ít thì đó là một điều bất cập. “Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi cần thiết phải có mô hình mới phù hợp. Còn đã là thí điểm, tức chưa có trong thực tế thì khó mà đòi hỏi phải hoàn chỉnh, toàn diện. Những gì khiếm khuyết sẽ được bổ sung trong quá trình thực hiện” - ông Tùng nói.

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng trong giai đoạn thí điểm CQĐT thì phải chấp nhận “vượt rào”, tức TP phải xin cơ chế đặc thù riêng mà chỉ có TP áp dụng, khác với chính sách, pháp luật hiện hành. Để được như thế, TP cần bổ sung, làm thật rõ những thuận lợi và khó khăn khi tiến hành thí điểm, nhất là việc đụng những cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành ra sao. “TP phải có lộ trình từng bước chắc chắn. Vì tuy nói là làm thử nhưng thực chất là làm thật để từ mô hình của TP có thể áp dụng rộng cho cả nước” - ông Khánh lưu ý.

Đã thí điểm thì phải “vượt rào” ảnh 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (thứ ba từ phải sang)đang trò chuyện với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: MC

Cốt lõi là vấn đề phân cấp

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, cốt lõi của đề án này là nội dung phân cấp, tức trung ương phân cấp cho TP cái gì. Đó chính là động lực để TP huy động các nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển mạnh mẽ của mình. Cụ thể trong đề án này, TP.HCM xin phân cấp mạnh trên các lĩnh vực: Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thẩm quyền lập quy); thẩm quyền về tài chính công (phân định rõ ngân sách trung ương và địa phương, trong đó ngân sách địa phương hoàn toàn tự chủ thu - chi và tự chịu trách nhiệm); thứ ba là thẩm quyền tổ chức bộ máy và nhân sự (việc xác định biên chế, tuyển chọn, bố trí và đãi ngộ cán bộ, công chức…) và một số thẩm quyền khác.

Ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng cơ chế đặc thù cho TP.HCM là rất quan trọng, phải có cái này thì CQĐT mới có hiệu quả tốt. “Còn có áp dụng mô hình mới mà không có cơ chế đặc thù cho chính quyền TP thì cũng không hiệu quả” - ông Tùng nói. Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhìn nhận: “TP.HCM là đô thị đặc biệt thì phải có cơ chế đặc thù. Vì vậy các nội dung phân cấp cho TP phải được xem xét một cách thấu đáo”.

Ở góc độ chuyên sâu, ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), nhận xét: Kiến nghị về vấn đề quyền thu - chi ngân sách như trong đề án sẽ gặp khó, nhất là thẩm quyền về thu thuế; thẩm quyền chi trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và môi trường, vì những cái này phải do QH quyết định, thông qua. Hay như cơ chế huy động đầu tư, nếu kiến nghị cho TP huy động vốn không có giới hạn là rất khó thực hiện vì trung ương thống nhất lãnh đạo và kiểm soát nợ công, trong đó có nợ của chính quyền trung ương, địa phương. Và để kiểm soát được vấn đề này thì không thể không có giới hạn trong việc phân cấp cho TP. “TP có thể kiến nghị cơ chế đặc thù về thu một số thuế trực thu (như thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân…); quy định mức riêng trong thu phí, lệ phí (nhưng phải theo khung luật định). Còn cơ chế đặc thù trong huy động đầu tư thì nên kiến nghị nâng mức tỉ lệ huy động vốn lên 150%, 200% hoặc 300%, tức phải có mức trần chứ không giới hạn là rất khó” - ông Tuế gợi ý.

Đà Nẵng: Cán bộ chỉ cần cù thôi thì chưa đủ

Tại hội nghị lấy ý kiến cho Đề án CQĐT TP Đà Nẵng ngày 18-9, UBND TP Đà Nẵng cho biết với đề án này, TP Đà Nẵng hướng tới mục tiêu xây dựng CQĐT theo mô hình hai cấp, gồm cấp TP và cấp xã, phường (loại bỏ cấp quận, huyện), trong đó nhấn mạnh vai trò cá nhân của thị trưởng TP. Tuy nhiên, ông Phạm Kiều Đa, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (cũ), băn khoăn: “Chúng ta có nên bỏ chính quyền cấp quận, huyện hay không? Vì một số nơi trên thế giới, thậm chí ngay cả Mỹ và Pháp các đô thị lớn vẫn còn tồn tại cấp quận”.

Trong khi đó, ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, góp ý: Khi đã bỏ cấp quận, huyện và tinh gọn bộ máy thì TP cần phải phân quyền nhiều hơn cho các sở, ban ngành để họ thực hiện nhiệm vụ của mình. “TP cần hết sức lưu ý tới việc xây dựng lề lối làm việc, tác phong, đạo đức và tài năng của cán bộ, công chức khi xây dựng CQĐT. Cán bộ, công chức của CQĐT mà chỉ mẫn cán thôi là chưa đủ. Đòi hỏi bây giờ là cán bộ phải có tâm và thực tài” - ông Huỳnh Năm nói.

LÊ PHI

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm