Đà Nẵng vẫn “tranh thủ” hạn chế nhập cư

Sáng 28-3, tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết là đã có văn bản gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo, phối hợp với Bộ Công an rà soát việc hạn chế nhập cư tại hai quận trung tâm là Thanh Khê và Hải Châu, theo Nghị quyết 23 của HĐND TP.

“TP vẫn cho nhập cư bình thường ở các quận, huyện vùng ngoại ô, chỉ tạm dừng đăng ký thường trú mới với một số trường hợp không phù hợp ở khu vực trung tâm, nơi có mật độ dân cư cao để quản lý tốt hơn” - ông Chiến nói.

Trước đó, ngày 23-12-2011, HĐND TP Đà Nẵng thông qua Nghị quyết 23 (có hiệu lực trong năm 2012) nêu rõ: “Trong khi chờ xin ý kiến của trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp ổn định hoặc có tiền án, tiền sự…”.

Với nội dung này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cho rằng không phù hợp với Luật Cư trú hiện hành.

Pháp luật hiện hành khẳng định công dân có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ mà người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản thì có đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP trực thuộc trung ương và có quyền làm hồ sơ, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan công an cấp huyện, quận, thị xã) để yêu cầu giải quyết việc đăng ký thường trú.

Đà Nẵng vẫn “tranh thủ” hạn chế nhập cư ảnh 1

Làm thủ tục cư trú tại trung tâm hành chính quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Ảnh: NguyỄn Huy

Pháp luật hiện hành không có quy định “tạm dừng” đăng ký thường trú đối với các trường hợp công dân có đủ các điều kiện theo quy định. Do đó, nội dung này của Nghị quyết 23 là không có cơ sở pháp lý và trái với quy định của pháp luật về cư trú. Cục Kiểm tra văn bản nhận xét.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức cuộc họp có sự tham gia của đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội. Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) và một số vụ khác thuộc Bộ Tư pháp. Đại diện các cơ quan tham gia cuộc họp thống nhất cho rằng đây là quy định trái Luật Cư trú và nghị định hướng dẫn thi hành.

Dù Đà Nẵng chưa ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể về việc đăng ký thường trú mới tại hai quận Thanh Khê và Hải Châu nhưng đã có người không được nhập hộ khẩu theo chủ trương “tạm dừng” nêu trên.

Tại cuộc họp báo, ông Văn Hữu Chiến cũng thông tin: Số tiền 5 triệu đồng/tháng dành cho lực lượng CSGT đứng chốt là tiền “dưỡng liêm”, không hoàn toàn lấy từ ngân sách mà được trích ra từ các khoản thu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự giao thông. Mục đích của tiền “dưỡng liêm” là ngăn chặn tiêu cực trong khi thi hành công vụ.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ có cuộc họp để nêu quan điểm chính thức, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan của Nghị quyết 23 của Đà Nẵng.

Ông ĐẶNG ĐÌNH LUYẾN, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đừng vin vào câu chữ để “tạm dừng” đăng ký thường trú đối với công dân. Việc phân bổ dân cư và quản lý dân cư không đồng nghĩa với việc tạm dừng đăng ký thường trú khi công dân có đủ các điều kiện theo quy định.

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đề nghị tổ chức cuộc họp liên ngành để có kết luận cuối cùng về vấn đề đang gây tranh cãi này. Trên cơ sở kết quả cuộc họp sẽ quyết định báo cáo Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý theo thẩm quyền các nội dung trái pháp luật của Nghị quyết 23/2011.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

T.TÀI - VT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm