HÔM NAY (21-5), KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Cử tri lo lắng chuyện làm ăn của các tập đoàn

Nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ; quản lý đất đai sơ hở, lỏng lẻo, dẫn đến bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân… Đó là những ý kiến bức xúc của cử tri được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập hợp và gửi đến kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII khai mạc hôm nay (21-5).

Theo cử tri và nhân dân, hiện nay các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được đầu tư lớn về vốn, đất đai và nhiều ưu đãi khác nhưng kết quả hoạt động không tương xứng. Nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn làm ăn thua lỗ. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước, về đầu tư công… nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả được vốn vay trong và ngoài nước.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, một số đại biểu QH cho rằng không chỉ Vinashin, Vinalines mà nhiều tập đoàn, đơn vị khác như điện lực, than-khoáng sản, dầu khí… cũng ít nhiều đều có vấn đề. Do đó, trong kỳ họp này, QH cần phải quan tâm thảo luận, mổ xẻ kỹ chuyện làm ăn của các tập đoàn. “Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo trước QH về đề án tái cơ cấu kinh tế, trong đó có nội dung hết sức quan trọng là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, QH cần phải bàn, thảo luận để có những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của những đơn vị trên, không để xảy ra tình trạng thua lỗ lớn” - đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nói.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, trong đó chủ yếu liên quan đến các vấn đề đất đai, theo cử tri và nhân dân, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán; thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa trong khi người dân không có đất để sản xuất; công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh gây bức xúc trong nhân dân.

Cử tri và nhân dân kiến nghị QH, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm tình trạng trên. Đồng thời, giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi.

“Việc tổ chức cưỡng chế phải đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi cưỡng chế; làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo” - báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm