Còn nhiều quy định “mờ” về kết hôn ngoại

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Lê Thị Bình Minh cho biết một số quy định về hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong Nghị định 68/2002 và Nghị định 69/2006 còn nhiều điểm bất cập, gây khó cho cơ quan chức năng. Cụ thể, khoản 5 điều 1 Nghị định 69/2006 quy định từ chối đăng ký kết hôn nếu “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc” nhưng đến nay vẫn chưa có quy định thế nào là “thuần phong mỹ tục” và trường hợp nào là “kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục” nên dễ dẫn đến suy diễn chủ quan, không thống nhất trong giải quyết hồ sơ.

Cạnh đó, khoản 4 Điều 1 Nghị định 69/2006 quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm phỏng vấn trực tiếp hai bên nam nữ nhưng lại không có quy định rõ hệ quả pháp lý của kết quả phỏng vấn kiểm tra này. Vậy nếu phỏng vấn không đạt (hai bên nam nữ không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung, không hiểu biết về hoàn cảnh của nhau) thì sẽ giải quyết ra sao?

Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch Sở Tư pháp TP, cho biết gặp những trường hợp như vậy, ông đã hẹn phỏng vấn lại sau ba tháng để tạo điều kiện cho các bên có thêm thời gian tìm hiểu nhau. Riêng những trường hợp hai bên chênh lệch 30-40 tuổi thì Sở Tư pháp tham mưu cho UBND TP từ chối đăng ký kết hôn (những đôi chênh lệch tuổi quá xa kiểu này cũng rất ít, chỉ 1-2 trường hợp/năm).

Ông Vũ cũng cho biết thêm thực tế, có những cô dâu Việt tuổi 16 ra nước ngoài kết hôn hợp pháp nhưng khi về Việt Nam xin ghi chú kết hôn (công nhận cuộc hôn nhân) đã bị từ chối vì rơi vào trường hợp tảo hôn (kết hôn sớm trước tuổi luật pháp quy định). Ngặt nỗi Nghị định 68/2002 và Nghị định 69/2006 cũng chưa quy định về hệ quả pháp lý trong trường hợp từ chối ghi chú kết hôn. Điều này dẫn đến hệ quả là không thể xác định rõ tình trạng hôn nhân của các công dân này là độc thân hay đã kết hôn, kéo theo nhiều khó khăn khi thực hiện các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính tại Việt Nam.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm