Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Nhổ cỏ dại lúa mới mọc lên”

25 năm trước: Đại hội VI (từ ngày 15 đến 18-12-1986) bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư; Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới.

Khi ấy, ông Phạm Quang Nghị (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội) là cán bộ trong tiểu ban thông tin báo chí của đại hội. Ông còn nhớ rất rõ tinh thần đổi mới lúc ấy là: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”.

Bài viết mở màn

Nhà báo Hữu Thọ kể: “Lúc đó tôi công tác ở báo Nhân Dân. Tối 24-5-1987 là phiên tôi trực ban biên tập. Vào khoảng 17 giờ 30, khi mọi người đã về, tòa soạn chỉ còn tôi và ban thư ký trực hôm đó thì đồng chí thường trực ở cổng 71 Hàng Trống đưa vào một phong thư nói là của một người đứng tuổi đi xe ôtô Lada màu sữa gửi ban biên tập. Tuy không đóng dấu hỏa tốc nhưng do phong bì của Văn phòng Trung ương nên tôi mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo, nếu ban biên tập thấy được thì đăng. Còn bài báo có đầu đề “Những việc cần làm ngay”, ký tên NVL”.

Ông Hữu Thọ nghĩ chắc chắn là tổng bí thư đã gửi bài vì trong Bộ Chính trị lúc đó chỉ có đồng chí là không đi xe Vonga theo tiêu chuẩn, chỉ đi xe Lada (tiêu chuẩn của thứ trưởng hoặc phó ban của Đảng). Nghĩ là việc rất hệ trọng cho nên dù được ủy quyền nhưng ông Hữu Thọ vẫn hội ý nhanh với một phó tổng biên tập khác ở trong cơ quan và họ quyết định đăng ngay trong số báo ra ngày hôm sau, 25-5-1987, trên trang nhất, đóng khung và cũng là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay”.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Nhổ cỏ dại lúa mới mọc lên” ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Nhà máy công cụ số 1 ngày 3-3-1987. Ảnh: XUÂN LÂM

Chống tiêu cực sẽ làm tăng niềm tin đối với Đảng

Thời điểm đó lạm phát leo thang, nghị quyết Trung ương yêu cầu giữ giá cả để ổn định tình hình nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có “nguyên nhân bất chính” giá vẫn tăng. Bài báo nói rõ bằng mọi cách các cơ quan báo chí phải lên án, chỉ đích danh những cá nhân và cơ quan cố tình làm trái nghị quyết; các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ việc nằm trong bóng tối ra nghiêm trị và phải công bố kết quả cho nhân dân biết. Theo ông Hữu Thọ, bài đầu tiên của “Những việc cần làm ngay” đã thể hiện quan điểm của tác giả là muốn thực hiện nghị quyết phải làm nhiều việc, trong đó có chống tiêu cực.

Sau đó, bài báo thứ hai trong mục “Những việc cần làm ngay” ra ngày 26-5-1987 “đánh” thẳng vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thời điểm đó, nhiều đơn thư tố cáo của công dân gửi đi không có hồi âm nên tác giả NVL đã dùng khái niệm “Im lặng đáng sợ” để chỉ biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân. Tác động của các bài báo này, theo ông Hữu Thọ, dù được dân hưởng ứng nhưng lại khiến cho một số cán bộ băn khoăn.

Có lẽ vì vậy trong bài đăng ngày 24-6-1987, tác giả NVL chỉ rõ “báo chí là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”. Tác giả trình bày rằng: “Từ sau Đại hội IV Đảng, nhà nước phát động phong trào nói thẳng, nói thật, ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình, sửa chữa. Văn kiện Đại hội VI đã yêu cầu đấu tranh chống các biểu hiện lạc hậu, trì trệ, biểu hiện tiêu cực khác và đưa công khai trên báo, đài hoặc qua các sinh hoạt của tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất. Điều đó chỉ làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

Tuyên chiến với cái xấu, tiêu cực

Mặc dù tác giả NVL đã công khai trình bày “Những việc cần làm ngay” là để thực hiện nghị quyết Đại hội VI, số người lo lắng không giảm vì đã có bài động chạm đến hành vi của cán bộ cao cấp. Ông Phạm Quang Nghị nhớ lại khi nói chuyện với hội nghị các nhà văn, tổng bí thư thổ lộ: “Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng: “Sao lại bôi đen chế độ”, “không khéo đây là một kiểu phát động cách mạng văn hóa, v.v...”. Thế nhưng tổng bí thư vẫn kiên quyết tuyên chiến với cái xấu, cái tiêu cực trong Đảng và trong xã hội.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Nhổ cỏ dại lúa mới mọc lên” ảnh 2

Một trong những bài báo “Những việc cần làm ngay” của tác giả NVL đăng trên báo Nhân Dân.

Tổng bí thư viết trong bài đăng trên báo Nhân Dân ngày 10-7-1987: “Có đồng chí khuyên tôi nên thôi vì “có bao nhiêu việc cần làm, sao cứ phải hăng hái chống tiêu cực như vậy?” nhưng tôi vẫn cương quyết. Cần đưa các nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực nhưng đồng thời vẫn phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới có đất sống, giống như ta nhổ cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên được”.

Nhà báo Hữu Thọ đánh giá bài viết đó đưa ra thông điệp rằng cuộc đấu tranh chống tiêu cực không đơn giản, ngay cả khi tổng bí thư ra tay mà còn bị cản trở. Sau này có được gần gũi tổng bí thư, ông có hỏi với cương vị của mình, tổng bí thư có thể chỉ thị việc này việc khác, có thể viết bài ký rõ tên thì uy lực cao lên, tại sao lại chọn viết bài ký bút danh, tổng bí thư cười rồi nói: Tôi có thể cùng Bộ Chính trị chỉ thị việc này việc khác nhưng tác dụng của bài báo lại rất khác, tạo ra dư luận xã hội lại có giá trị riêng. Còn ký tên tắt để mọi người tham khảo, thấy đúng thì làm, không bị lệ thuộc vào địa vị người viết.

Bài báo cuối cùng của “Những việc cần làm ngay” ra mắt hôm 28-9-1990, sau ba năm bốn tháng bốn ngày. Nói về sự kết thúc này, tổng bí thư giải thích: “Bận quá. Vả lại tôi viết để “mồi” cho các nhà báo viết tiếp để đấu tranh kiên quyết, liên tục”. Quả là thế, một phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” rầm rộ chưa từng có khắp cả nước.

“Nói và làm…”

Những bài viết ngắn gọn mà rực lửa chiến đấu của NVL đã tác động rất mạnh đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều người đã “dịch” ba chữ NVL thành các từ “nói và làm”, “nhảy vào lửa”... Đúng là làm cách mạng, cải tạo xã hội luôn luôn cần phải có những người dám nói và làm, dám dũng cảm nhảy vào lửa...

Sự hấp dẫn, cuốn hút từ các bài báo “Những việc cần làm ngay” không phải vì cái hay của văn chương, cái mới lạ về bút pháp, phong cách mà trước hết là bởi các sự kiện, các vấn đề được đề cập đã thực sự đúng những vấn đề trọng tâm, bức xúc nhất trong đời sống xã hội và bởi nhiều sự phê bình, đấu tranh được nêu lên trong các bài viết của đồng chí có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

Ông PHẠM QUANG NGHỊ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (Tuần Vietnam 27-4-2010)

Tạo không khí sôi nổi về chống tiêu cực

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người mà lời nói với việc làm đi liền nhau. Không những chỉ trong cuộc sống riêng mà trong hiện thực xã hội đồng chí đều thể hiện quyết tâm phải đấu tranh, không những về phương diện lý luận, lý thuyết mà trong cả thực tiễn. Tác động của những bài báo ký tên NVL trong mục “Những việc cần làm ngay” vô cùng lớn, tạo ra không khí rất sôi nổi về chống tiêu cực mà trước hết trên báo chí. Rõ ràng rất nhiều việc đã được phát hiện ngay, đấu tranh kịp thời nên đã ngăn chặn được cả những việc sắp tới. Điều đặc biệt ở chỗ cách thức này được sử dụng trong hoàn cảnh thế giới là sự đổ vỡ của phe xã hội chủ nghĩa, còn trong nước bắt đầu bước vào cơ chế mới, ranh giới chưa rõ ràng. Những người không tốt lợi dụng cơ chế cũ và sự giáp ranh này để làm việc không tốt. Vì thế nêu ra “Những việc cần làm ngay” có ý nghĩa rất thời sự và cấp thiết cho tới cả bây giờ. Nói chuyện ngày trước để hôm nay những bài học đó được áp dụng. Những điều đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ ra chúng ta cần phải tiếp tục làm.

Ông TÔ HUY RỨA, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ (nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh) trả lời Pháp Luật TP.HCM tại hội thảo ngày 28-6-2005, nhân 90 năm sinh nhật Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

PHAN LỢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm