Cơ quan điều tra hình sự: Cần gom về một mối

Ngày 29-3, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo về pháp luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Nên giữ mô hình CQĐT ba cấp

Tại hội thảo, Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cho biết: Qua bảy năm thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, trung bình mỗi năm cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 63.000 vụ án, 94.500 bị can. Chất lượng điều tra khám phá tội phạm tăng lên rõ rệt, khắc phục được tình trạng chia cắt gián đoạn giữa điều tra trinh sát và điều tra theo trình tự tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, theo Trung tướng Đạt, việc thực hiện theo Pháp lệnh 2004 vẫn còn hạn chế như chưa thực sự chú trọng đến nghiệp vụ phòng ngừa tội phạm; chất lượng điều tra, xử lý tội phạm của một số đơn vị còn hạn chế, nhất là điều tra các vụ án chưa rõ thủ phạm (án mờ); tình trạng VKSND, TAND trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung ở nhiều địa phương chiếm tỉ lệ cao.

Ông đề xuất: “Phải giữ nguyên mô hình cơ quan CSĐT ở ba cấp như hiện nay. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Tổ chức điều tra hình sự. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật và điều tra hình sự của một số quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam. Về lâu dài, không nên quy định cho các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Các cơ quan khác chỉ có trách nhiệm phối hợp theo sự chỉ đạo của cơ quan điều tra chuyên trách và của VKS”.

Cơ quan điều tra hình sự: Cần gom về một mối ảnh 1

Trung tướng Triệu Văn Đạt: “Về lâu dài, không nên quy định cho các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”. TS Đỗ Văn Đương: “Người ta đặt câu hỏi ai sẽ giám sát, kiểm sát các hoạt động điều tra trinh sát? Việc này dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm?”.

Giảm tình trạng cấp bộ điều tra án của cấp tỉnh

TS Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề xuất: CQĐT phải thực hiện thống nhất theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định và chịu sự can thiệp của VKS. Cần nhập CQĐT hình sự và cơ quan an ninh điều tra làm một. Giảm thiểu các trường hợp CQĐT cấp bộ điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Mở rộng diện, tăng thẩm quyền tố tụng cho các CQĐT không chuyên trách. Mở rộng thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc VKS để chủ động thực hành quyền công tố đối với một số loại tội phạm (nhất là tội phạm quan chức, các vụ án xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân hoặc những vụ án cần đảm bảo tính khách quan). Tăng cường cơ chế kiểm sát, giám sát hoạt động điều tra của CQĐT. Điều này sẽ giảm được các án oan, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn điều tra.

Ông Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng cho rằng hiện công tác điều tra hình sự còn nhiều bất cập và cần phải sửa chữa, cần thu gọn CQĐT về một mối.

Theo ông Ngưu, hội thảo là một cơ hội tốt để tập trung trao đổi, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, làm rõ và sâu sắc hơn các khía cạnh pháp lý và thực tế của vấn đề. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thẩm tra và hoàn thiện dự án luật trong thời gian tới.

Ở Trung Quốc, VKS trực tiếp điều tra tất cả các vụ án tham nhũng nhưng không có điều tra viên mà kiểm sát viên trực tiếp điều tra. Khi kiểm sát viên điều tra, vẫn có Vụ Kiểm sát điều tra giám sát hoạt động điều tra. Hầu hết các nước trên thế giới đều giao thẩm quyền điều tra cho Viện Công tố. Ở một số nước, cơ quan điều tra đặt tại Bộ Tư pháp.

(Trích tham luận của TS Đỗ Văn Đương)

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm