Chuyên gia David Brown: “Chưa thấy nước nào hành xử như TQ”

Hành xử của TQ đã bị không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác lên tiếng phản đối.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu David Brown (cựu quan chức ngoại giao Mỹ, từng công tác ở nhiều nước Đông Nam Á và có nhiều bài viết phân tích về tình hình biển Đông trên báo Asia Times) nhấn mạnh:

+ Theo tôi và ý kiến của một số nhà nghiên cứu mà tôi biết và có trao đổi thì cách làm của TQ (in đường lưỡi bò trên hộ chiếu - PV) không mang lại một giá trị pháp lý nào cả. Vì vùng biển thuộc đường chín đoạn mà TQ đưa ra không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế nào và đang xảy tranh chấp giữa các bên. Cho đến giờ, tôi chưa biết và cũng chưa thấy một quốc gia nào khác hành xử theo như kiểu của TQ.

Chẳng ai tin vào cam kết của họ nữa

. Phóng viên: Hành động trên của TQ làm cho tình hình giải quyết tranh chấp trên biển Đông hiện nay rối hơn, thưa ông?

Chuyên gia David Brown: “Chưa thấy nước nào hành xử như TQ” ảnh 1
+ Ông David Brown: Tôi thấy TQ thật “giỏi” trong cách làm nản lòng các nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay. Đã có một sự chênh lệch giữa những gì TQ tuyên bố với những gì họ hành xử trên thực tế. Nói thật là có rất ít người tin vào tính hiện thực của những cam kết của TQ.

. Theo ông, những hành xử của TQ cho thấy bản chất gì của họ trong ý đồ hiện thực hóa cái đường lưỡi bò vô căn cứ này?

+ Những gì diễn ra trên thực tế thời gian qua, từ việc tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines, việc thành lập cái gọi là TP Tam Sa và nhiều hành vi gây hấn trước đó trên vùng biển của Việt Nam, cũng như những gì thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mới đây ở Campuchia cho thấy: TQ không bao giờ từ bỏ yêu sách của họ về chủ quyền trong vùng biển thuộc “đường chín đoạn”. Có vẻ như TQ không quan tâm lắm đến dư luận đang nghĩ gì và họ không nhượng bộ về những yêu sách quá khích mà họ đòi hỏi. Lâu lâu họ lại đưa ra lời cam kết trước quốc tế rằng TQ sẽ giải quyết các vấn đề căn cứ vào luật pháp quốc tế nhưng điều ấy được thể hiện như thế nào thì chưa thấy gì cả.

Chuyên gia David Brown: “Chưa thấy nước nào hành xử như TQ” ảnh 2

Việc Trung Quốc cấp hộ chiếu điện tử mới có in hình đường lưỡi bò sẽ gây trở ngại cho chính công dân nước này. Ảnh: TÂN HOA XÃ

TQ đang “ăn từ từ” trên biển

. Với tình thế này thì ông dự báo gì về những diễn biến sắp tới trên “bàn cờ tranh chấp” biển Đông?

+ TQ sẽ không từ bỏ những yêu sách của mình và chắc chắn các nước liên quan cũng khó gạt được họ ra khỏi “bàn cờ” này. Trong suy nghĩ của TQ hiện nay, họ cần phải vươn lên mạnh mẽ và phải đạt được vị trí siêu cường để lấy lại những gì đã mất trong quá khứ. Một phần suy nghĩ ấy đang được thực hiện trong việc lấn tới các vùng biển đang tranh chấp với các nước xung quanh.

Thực tế cho thấy mỗi năm TQ đang “ăn từ từ” trên biển; hải quân của họ cũng ngày một lớn mạnh và rất khó đối phó. Tuy thế tôi hy vọng rằng lãnh đạo mới của họ sẽ không bị lún quá sâu vào những ý đồ tranh chấp mà không có cơ sở cụ thể nào cả.

Việt Nam tuy có chứng cứ lịch sử vững chắc đối với các quần đảo đang tranh chấp hiện nay nhưng sẽ không dễ đối đầu với TQ khi họ không muốn giải quyết vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế.

Tìm hướng ra cho “bàn cờ tranh chấp”

. Ông đánh giá thế nào về vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông?

+ Như tôi đã nói là không dễ gì để các bên từ bỏ yêu sách hiện nay, nhất là TQ. Trong khi đó vai trò của ASEAN (vốn được kỳ vọng rất nhiều) lại ngày càng trở nên lu mờ. Thực sự rất khó để ASEAN đứng ra “chủ trì” trong việc đàm phán, giải quyết tranh chấp trên biển Đông hiện nay giữa các thành viên với TQ, nếu không muốn nói là quá sức đối với tổ chức này.

. Có phải do cơ chế hoạt động của ASEAN dựa trên nguyên tắc đồng thuận, đối thoại chứ không đối đầu là cản trở lớn cho việc này?

+ Đúng thế, chính nguyên tắc hoạt động của tổ chức này là vướng trở trong việc thực hiện vai trò này. Đòi hỏi một ASEAN thống nhất hoàn toàn trong chủ trương này là vô cùng khó vì lợi ích theo đuổi của các bên là không như nhau. Trong khi đó, TQ cho thấy họ hoàn toàn có khả năng duy trì được sự chia rẽ nội bộ ASEAN. Thực tế, một vài nước đã và đang dịch chuyển theo quan điểm của TQ trong vấn đề này. Điều ấy càng làm cho tình hình càng khó.

. Vậy các nước liên quan sẽ phải làm gì để có thể tìm ra một giải pháp hòa bình cho biển Đông?

+ Tôi cho rằng tình hình sẽ không dễ dàng nếu các bên cứ tiếp tục theo đuổi cách hành xử như thời gian qua và không hướng đến việc nhượng bộ để từ đó đi đến sự thống nhất trong việc đưa ra một hướng giải quyết tích cực nào đó. Chỉ cần bắt đầu từ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thì một hướng đi sẽ mở ra.

Trong tình hình hiện nay, các nước có liên quan trong giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất hướng giải quyết có thể nhất. Từ sự thống nhất đó mới tạo nên một cơ sở đáng tin cậy nào đó để quốc tế có thể ủng hộ, thúc đẩy đàm phán, tìm hướng ra cho “bàn cờ tranh chấp” hiện nay.

. Xin cảm ơn ông.

Các học giả cũng không tin

Lập trường của TQ về đường chín đoạn là không có cơ sở. Ở Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ tư mới đây, một số chuyên gia có tìm cách lý giải cho các hành xử của TQ. Các lý do họ đưa ra là do vấn đề “chính trị nội bộ”, rồi vì “lợi ích nhóm” nên không kiểm soát được các diễn tiến… Dĩ nhiên họ vẫn lý giải yêu sách về đường chín đoạn mà TQ đòi hỏi là dựa trên cái gọi là chủ quyền đối với vùng nước lịch sử. Mặt khác, họ chuyển hướng là do phía khác gây rắc rối và cho rằng Việt Nam nên tập trung vào việc phát triển kinh tế hơn là những việc này.

Tuy nhiên, phản hồi từ học giả các nước cho thấy ngày càng có ít người tin vào những lập luận của các nhà nghiên cứu TQ. Hành động của TQ là rất khó hiểu và gây ra nhiều quan ngại.

Chuyên gia DAVID BROWN

Đang tiến hành nhiều biện pháp để đấu tranh

Về việc TQ in bản đồ có hình lưỡi bò lên hộ chiếu mẫu mới, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông, thông tin thêm với đại diện các cơ quan báo chí ngày 27-11, bà Trần Thị Bích Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao), cho biết Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp để đấu tranh.

Riêng vấn đề hộ chiếu này, bà Vân cho biết Bộ Ngoại giao đã phát hiện sớm và trao đổi thông tin với những nước quan tâm và có liên quan như Philippines, Ấn Độ. Ngoài việc trao công hàm phản đối TQ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, dừng việc thị thực nhập cảnh lên hộ chiếu điện tử mẫu mới của công dân TQ. Thay vào đó, khi làm thủ tục thì cấp thị thực rời để họ vào Việt Nam.

NGHĨA NHÂN

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm