Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng là phù hợp

Phiên thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ngày 12-9 là lần “hiếm hoi” khi đa số các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ra sức bảo vệ tờ trình của Chính phủ, đồng thời dành sự chỉ trích khá nặng với đề xuất của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TC-NS), cho dù đơn vị này trực thuộc QH.

Như đã thông tin, Tờ trình của Chính phủ đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thẩm tra dự thảo này, Ủy ban TC-NS đề nghị rút xuống lần lượt là 7 triệu đồng/tháng và 2,8 triệu đồng/tháng.

Cứ có thu nhập là phải nộp thuế?

Tại báo cáo thẩm tra cũng như trả lời câu hỏi của các thành viên trong UBTVQH về cơ sở khoa học để đề nghị giảm xuống như trên, Ủy ban TC-NS cho rằng đã gọi là thuế TNCN thì phải đảm bảo là có thu nhập thì phải chịu thuế. “Đã gọi là Luật Thuế TNCN thì phải bảo đảm tính trung lập của thuế, tránh lồng ghép quá nhiều các chính sách xã hội. Đồng thời, thể hiện đúng bản chất của thuế TNCN là điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng thực sự khó khăn từ những đối tượng có thu nhập cao” - Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng là phù hợp ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Ông Hiển cũng cho rằng khi đề xuất, ủy ban đã căn cứ vào cơ sở tiền lương tối thiểu và chỉ số CPI. “Quan điểm của ủy ban khi làm Luật TNCN là phải đúng thuế TNCN chứ không phải là thuế thu nhập cao. Nghĩa là anh có thu nhập là anh phải đóng thuế, chứ quy định như trong dự thảo thế này thì mất hết đi bản chất của thuế TNCN” - ông Hiển nói và cho biết đây là một vấn đề quan trọng, nhạy cảm nên khi thẩm tra, Thường trực Ủy ban đã bỏ phiếu kín từng điều một rồi mới đi đến quyết định như trên.

Ngoài các lý do trên, Ủy ban TC-NS còn lo ngại nếu nâng mức khởi điểm quá cao thì số người nộp thuế sẽ giảm mạnh, mỗi năm ngân sách sẽ mất khoảng mười mấy ngàn tỉ đồng…

9 triệu đồng chưa phải là cao

Đồng tình với những lập luận mà Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS nêu ra, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đúng là mỗi công dân phải có trách nhiệm nộp thuế dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, vì nước ta còn nghèo nên mới có quan điểm chỉ có người thu nhập cao mới nộp thuế. Luật Thuế TNCN hiện hành đã kết hợp cả hai quan điểm đó. “Thu nhập 9 triệu đồng ở Việt Nam đã gọi là thu nhập cao được chưa? Liệu có đủ chi tiêu cho việc học hành, ăn ở, rồi tích lũy để phòng chữa bệnh, mua nhà không khi mà hiện nay cái gì cũng tăng giá từ viện phí, học hành, cho đến đi lại…” - ông Hùng đặt vấn đề và cho rằng mức đề xuất như của Chính phủ là hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng không nên đánh đồng thuế TNCN với các loại thuế khác theo nghĩa cứ có thu nhập là phải chịu thuế. “Chúng ta phải xác định rằng có thu nhập nghĩa là thu nhập đó phải đảm bảo cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ điều kiện sinh hoạt ở mức trung bình. Do đó, nếu Chính phủ đã nghiên cứu mà thấy rằng phải nâng lên thì QH nên ủng hộ” - ông Hiện nêu quan điểm.

Chưa phù hợp với Việt Nam

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, quan điểm có thu nhập là phải nộp thuế chưa thể phù hợp với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh lương tăng không đủ bù đắp bởi lạm phát tăng cao. “Chúng ta đều thấy thời gian qua viện phí tăng, học phí tăng, các dịch vụ công cộng cũng tăng… Do đó, khi xây dựng luật chúng ta phải tính đến yếu tố này chứ. Nếu chúng ta chỉ tính thu nhập bao nhiêu phải nộp cho chúng ta bằng đấy thuế thì đâu được” - bà Mai nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đều ủng hộ đề xuất của Chính phủ và “bác” đề xuất của Ủy ban TC-NS.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nâng mức khởi điểm chịu thuế ở mức 9 triệu đồng là phù hợp. Ông Hùng cũng đề nghị cần phải có biểu thuế suất ở mức 0% để người dân thấy nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của mình đối với thuế.

Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng

Khi đưa ra đề xuất mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng, Bộ Tài chính căn cứ vào tình hình kinh tế khó khăn trong những năm qua, rồi lạm phát tăng cao, trong đó có những năm CPI tăng đến 18%, ảnh hưởng đến cuộc sống của người làm công ăn lương. Bên cạnh đó, Chính phủ và QH những năm qua cũng đã có hàng loạt các nghị quyết miễn giảm thuế bậc 1 cho những người có thu nhập ở mức 9 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình tiền lương, mức GDP, kinh nghiệm ở các nước…, Chính phủ quyết định đề xuất trình như trên.

VŨ THỊ MAI, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Nếu mà chống được tham nhũng…

Nếu chúng ta lo rằng nâng mức khởi điểm chịu thuế cao như thế, chúng ta không thu được mười mấy ngàn tỉ đồng/năm cho ngân sách là sai. Tôi nói thật, nếu làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng thì không chỉ vài ngàn tỉ đồng, vài chục ngàn tỉ đồng mà cả trăm ngàn tỉ đồng chúng ta cũng lo được. Do vậy mà việc giảm thu ngân sách là việc không nên lo.

Ông NGUYỄN VĂN HIỆN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Sao lại dội gáo nước lạnh?

Vấn đề sử dụng tiền thuế ra sao để không xảy ra tình trạng lãng phí, không tham nhũng mới là quan trọng. Chính phủ thương dân nên mới nâng mức khởi điểm chịu thuế, tạo điều kiện cho dân dễ thở. Vậy mà mấy ông Ủy ban TC-NS đại diện cho dân lại dội gáo nước lạnh như thế là không được.

Ông HUỲNH NGỌC SƠN, Phó Chủ tịch QH

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm