Chống tư duy nhiệm kỳ, tránh lợi ích nhóm chi phối

Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã kết thúc vào sáng 10-10. Bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị, tập trung chủ yếu vào những đánh giá, định hướng lớn về KT-XH của năm 2011, 2012 và cả nhiệm kỳ năm năm kéo dài đến năm 2015. Hội nghị lần này cũng đã thảo luận, thông qua ba văn bản của Đảng, gồm “Quy định thi hành Điều lệ Đảng khóa XI”; “Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; và “Quy định những điều đảng viên không được làm”.

Tiếp tục ưu tiên chống lạm phát

Về tình hình năm nay, trung ương đánh giá rằng một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển KT-XH chưa thể hoàn thành, nhất là tiêu chí lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh. Đáng chú ý, lạm phát vẫn ở mức cao và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, cho dù những tháng gần đây chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm. Nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài tăng nhanh; dự trữ ngoại hối mỏng, áp lực đối với tỉ giá còn lớn; thị trường tài chính, thị trường bất động sản (BĐS) giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn... Tổng hợp nhiều yếu tố, tăng trưởng GDP cả năm 2011 ước chỉ đạt 5,8%-6% (chỉ tiêu QH đề ra cho năm 2011 là 7%-7,5%).

Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, trung ương đánh giá còn có nhiều yếu tố chủ quan từ mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ từ lâu, chậm khắc phục. Nguyên nhân chủ quan còn là khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, trong quản lý đầu tư, đất đai, tài nguyên, thị trường BĐS.

Chống tư duy nhiệm kỳ, tránh lợi ích nhóm chi phối ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Định hướng cho kế hoạch phát triển KT-XH những năm tới, Ban Chấp hành Trung ương nhận định kinh tế thế giới sẽ còn khó khăn, thậm chí có nguy cơ rơi vào đợt suy thoái mới. Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo trong quản lý, điều hành nền kinh tế cho đến năm 2015 là nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Tùy diễn biến, các mối quan hệ trên có thể được xếp thứ tự ưu tiên sao cho kết quả toàn diện cao nhất. Nhưng riêng năm 2012 và những năm tiếp theo, phải ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch năm năm.

Ba lĩnh vực tái cấu trúc then chốt

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư còn đề cập nhiều tới nội dung mới, rất quan trọng được Trung ương III xem xét, quyết định, đó là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là công việc rất lớn, phức tạp, cần triển khai trong nhiều năm, ở tất cả các cấp, các ngành. Trung ương xác định năm năm tới cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Với tái cấu trúc đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công, trung ương yêu cầu khẩn trương soát xét, điều chỉnh luật pháp, chính sách và cơ chế quản lý đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng; đặc biệt là vấn đề phân cấp quản lý nhà nước về thu chi ngân sách và đầu tư. Phải khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản mà chưa tính toán đầy đủ khả năng thu hút các DN vào đầu tư, hiệu quả KT-XH và tác động đến môi trường; tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công, nợ xây dựng cơ bản lớn, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp. Đặc biệt, trung ương yêu cầu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay lợi ích nhóm chi phối.

3,8 triệu ha là diện tích đất trồng lúa phải kiên quyết giữ để đảm bảo an ninh lương thực. Trung ương cũng nêu rõ phải có chính sách điều tiết ngân sách hợp lý đối với vùng đồng bằng, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long để các vùng này chuyên tâm sản xuất nông nghiệp.

Để cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống NHTM, các tổ chức tài chính, cần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, thị trường BĐS, thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng và ngoại tệ, khắc phục tình trạng đôla hóa. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của DNNN, vay trả nợ nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư vào lĩnh vực BĐS, thị trường chứng khoán và các nguồn vốn nóng khác; từng bước giảm tỉ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống NHTM. Cấu trúc lại hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính theo hướng sát nhập, hợp nhất các đơn vị nhỏ để có số lượng phù hợp các NHTM và tổ chức tài chính có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.

Trong quá trình tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cần kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015. Tập trung phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân. Hoàn thiện thể chế quản lý DNNN, thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các DN, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính. Đổi mới quản trị và cơ chế hoạt động của DNNN theo hướng chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH phù hợp với quy định của Luật DN, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường...

NGHĨA NHÂN (Theo TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm