RA MẮT BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Chống tham nhũng: Không ngại cản lực nào!

Ngày 4-2, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Trưởng ban - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phiên họp ra mắt tại Văn phòng Trung ương Đảng đã thực hiện các thủ tục công bố hai quyết định của Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư ký. Đó là Quyết định 162 về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN và Quyết định 163 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ.

Chỉ đạo, đôn đốc chung…

Về chức năng, BCĐ mới được xác định là chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Trước đây, BCĐ cũ - theo Luật PCTN cũ - do Thủ tướng làm trưởng ban chịu trách nhiệm trước QH, Chính phủ, Chủ tịch nước.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, BCĐ mới được giao 15 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn mà về cơ bản giống như nhiệm vụ của BCĐ trước đây nhưng được diễn đạt lại theo đúng tính chất là BCĐ của Đảng. Cụ thể, BCĐ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp PCTN; thảo luận, quyết định các nội dung công tác trọng tâm, chương trình làm việc hằng năm về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp PCTN; chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp các cấp ủy, tổ chức đảng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN.

Chống tham nhũng: Không ngại cản lực nào! ảnh 1

Ông Nguyễn Bá Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

BCĐ chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu có biện pháp ngăn ngừa, khắc phục.

… Và xử lý vụ án cụ thể

Liên quan đến xử lý vụ việc tham nhũng cụ thể, BCĐ có nhiệm vụ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong PCTN; chỉ đạo đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc được dư luận đặc biệt quan tâm; chỉ đạo việc xử lý khiếu nại, tố cáo về tham nhũng cũng như xử lý các thông tin về vụ, việc tham nhũng do cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp; chỉ đạo việc phúc tra khi cần thiết.

Trong trường hợp cần thiết, BCĐ trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý với một số vụ việc cụ thể, hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền giải quyết lại. BCĐ được sử dụng bộ máy, tổ chức, con người của cơ quan, tổ chức có liên quan khi cần thiết.

BCĐ cũng có quyền kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc trực tiếp chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác, sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy khi cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn với hoạt động PCTN.

Ở cấp cao nhất, các Ban Cán sự Đảng Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương cũng như các cơ quan liên quan có trách nhiệm báo cáo với BCĐ về công tác PCTN và báo cáo việc xử lý những vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc được dư luận quan tâm...

Quyền mới: Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ngoài ra, BCĐ mới có một số nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác lớn hơn trước đây. Chẳng hạn, BCĐ có quyền chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật về mặt chính quyền với người có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. BCĐ cũng có quyền chỉ đạo Đảng đoàn QH, các ban Cán sự Đảng Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao... trong đề xuất, tham mưu xây dựng và ban hành văn bản pháp luật về PCTN và báo cáo kết quả công tác PCTN định kỳ, đột xuất tại các kỳ họp QH, Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ.

Đáng chú ý, để khắc phục mặt hạn chế của tính kiêm nhiệm, nâng cao trách nhiệm của các ủy viên không chuyên trách, quyết định của Bộ Chính trị yêu cầu các thành viên BCĐ cứ ba tháng một lần phải báo cáo bằng văn bản với BCĐ và trưởng ban về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Chống tham nhũng: Không ngại cản lực nào! ảnh 2

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm