KHAI MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ 11

Chống bè phái trong công tác nhân sự

Sáng 4-5, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.

Tại hội nghị lần này, BCH Trung ương sẽ bàn về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XII; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và góp ý về Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay…

Công tác nhân sự: Công tâm, khách quan

Tổng Bí thư cho biết tại hội nghị lần này, Trung ương cần cho ý kiến, thảo luận và quyết định phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 tại các hội nghị tiếp theo.

Tổng Bí thư đề nghị mỗi ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc các nội dung liên quan. “Phải chăng về tiêu chuẩn ủy viên BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng thực sự tin yêu?”. Tổng Bí thư gợi mở như thế và nhấn mạnh trong công tác chuẩn bị nhân sự, cần đặc biệt nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”...

Quang cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI khai mạc trọng thể tại trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: TTXVN

Về dự án sân bay Long Thành

Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với toàn vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, có tổng vốn đầu tư lớn và thời gian thực hiện dài, sử dụng một diện tích đất đai lớn… Vì vậy, mặc dù Trung ương đã cho chủ trương chung và ngay từ năm 2005, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT lập báo cáo tiền khả thi, đến nay đã hoàn thành, trình Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định và được Chính phủ thông qua nhưng tại hội nghị lần này, Trung ương vẫn cần cho ý kiến về các vấn đề nêu trong tờ trình và báo cáo đầu tư dự án của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, có kết luận định hướng để Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cần tập trung cho ý kiến về sự cần thiết và tính khả thi của dự án; nhu cầu sử dụng đất và giải phóng mặt bằng; phương án tái định cư, bảo đảm việc làm và môi trường sống cho đồng bào vùng di dời; hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án; cơ chế đặc thù cho dự án…

Theo chương trình, hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 7-5-2015.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Tổng Bí thư khẳng định đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. BCH Trung ương cũng đã nhiều lần họp bàn trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 và tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường những năm vừa qua. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, cho nên còn có ý kiến khác nhau.

Tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến về vấn đề quan trọng này, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ 9 khóa XIII sắp tới.

Tổng Bí thư đề nghị cân nhắc kỹ những ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án. Chú ý phân tích, đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của các đề xuất gắn với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt… Tổng Bí thưgợi mở:“Phải chăng chính quyền nông thôn cần được chú trọng nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả ba cấp; chính quyền đô thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, ủy quyền phù hợp giữa cấp thành phố với thị xã, quận, phường; tổ chức và hoạt động của chính quyền các khu hành chính-kinh tế đặc biệt cần được quy định trong một đạo luật riêng...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm