Chính quyền đô thị Đà Nẵng sẽ có dân chủ trực tiếp

Sáng 21-2, đoàn công tác trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng về dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT).

Báo cáo dự thảo đề án, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho hay việc xây dựng thí điểm mô hình CQĐT là yêu cầu của thực tiễn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền TP. Đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Điều này sẽ giúp Đà Nẵng nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị, chất lượng phục vụ của chính quyền, tạo động lực phát triển nhanh kinh tế-xã hội.

Về mặt tổ chức vận hành bộ máy, dự thảo đề án CQĐT của Đà Nẵng đã phân định rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo điều hành của UBND TP, nhằm tăng cường vai trò của người đứng đầu. Theo đó, đề án quy định rõ các nội dung bắt buộc phải đưa ra bàn và quyết định tập thể và các nội dung còn lại thuộc nhiệm vụ của chủ tịch UBND TP. UBND TP cũng được thu gọn lại gồm: Chủ tịch UBND, các phó chủ tịch và một ủy viên là chánh Văn phòng UBND TP. Các cơ quan chuyên môn được tổ chức quản lý theo chiều dọc, nhằm đảm bảo tính quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt trên toàn địa bàn TP. Ông Chiến cho rằng việc tổ chức này sẽ xác định được rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể; giảm áp lực đầu việc cho UBND TP; rút gọn giải quyết các thủ tục hành chính; giảm sự trùng lắp nhiệm vụ; tinh gọn tổ chức bộ máy quản lý. Đặc biệt, quyền làm chủ của người dân trong CQĐT sẽ được đẩy mạnh hơn bằng việc thực hiện dân chủ trực tiếp, nguyện vọng của người dân có thể đến cấp cao nhất trực tiếp, hạn chế phải thông qua nhiều cấp đại diện.

Về phân cấp quản lý, Đà Nẵng cũng đề xuất phân cấp một số thẩm quyền cho TP như thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với đặc thù của TP. Đồng thời đề nghị Chính phủ ủy quyền cho TP cùng quản lý trực tiếp đối với các cơ quan như Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thống kê, kho bạc Nhà nước, cảng Đà Nẵng nhằm phục vụ cho việc thực hiện thu các khoản thu đặc thù ở đô thị cho ngân sách TP theo phân cấp. Đà Nẵng cũng đề xuất thành lập thêm một số lực lượng mới để đáp ứng công tác quản lý của CQĐT như Thanh tra đô thị, Sở Ứng phó tình trạng khẩn cấp.

Phát biểu tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Đà Nẵng và TP.HCM đã được Bộ Chính trị đồng ý cho phép thực hiện thí điểm tổ chức CQĐT. “Ngày 13-3 tới đây, Bộ Chính trị sẽ nghe và thông qua Đề án thí điểm mô hình CQĐT Đà Nẵng. Đây là một đề án khó, mới và phức tạp. Do vậy cần phải tập trung đóng góp, thảo luận có trách nhiệm để có một đề án hoàn chỉnh nhất và phải tuân thủ theo Hiến pháp 2013” - ông Phúc đề nghị.

LÊ PHI

Đề xuất nghiên cứu mô hình thị trưởng

Theo dự thảo, mô hình tổ chức CQĐT Đà Nẵng được thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ khi trung ương cho phép TP thí điểm, gồm hai bước. Bước thứ nhất, chỉ tổ chức chính quyền hoàn chỉnh (gồm HĐND và UBND) ở cấp TP và cấp xã. Cấp quận, huyện, phường chỉ có cơ quan hành chính (UBND). Bước thứ hai từ nhiệm kỳ 2016-2020, xin chuyển 11 xã của huyện Hòa Vang thành phường thuộc hai quận mới (huyện Hòa Vang sẽ tách thành hai quận - PV). Lúc này, CQĐT Đà Nẵng sẽ chỉ còn một cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp TP, còn tất cả cấp quận, huyện, phường chỉ tổ chức cơ quan hành chính.

Giai đoạn 2: Chuyển sang mô hình thị trưởng. Theo lý giải của đề án, Hiến pháp 2013 không quy định về việc này. Bộ Nội vụ cũng đã góp ý chưa nên đặt ra mô hình này trong giai đoạn 2 của đề án. Tuy nhiên, dự thảo đề án TP Đà Nẵng có đề cập nhằm nghiên cứu định hướng dài hạn sau khi mô hình CQĐT đã vận hành thông suốt và hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm