Chính phủ kiên trì kiến nghị nhiều nội dung

Ngày 17-5, Bộ Tư pháp - Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ (CP) về lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi HP đã họp báo công bố kết quả đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này. Tinh thần chung là kết quả tổng hợp, tiếp thu ý kiến góp ý phải công khai, giải trình đầy đủ.

Nhiều kiến nghị chưa được tiếp thu

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo, CP đã chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, cùng Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức góp ý cho Dự thảo HP (bản công bố lấy ý kiến nhân dân, ngày 2-1). Nhiều hội thảo HP với sự tham gia của giới chuyên gia, học thuật đã được tổ chức. Khoảng 18 triệu lượt ý kiến về các chương, điều của Dự thảo HP đã được ghi nhận, tổng hợp qua 5.000 trang tài liệu. Trên cơ sở đó, CP đã thảo luận, hình thành báo cáo 104 trang chuyển sang Ủy ban Dự thảo HP.

Kết quả tiếp thu cho đến sau Hội nghị Trung ương 7 (diễn ra từ ngày 2 đến 11-5), một số kiến nghị của CP đã được thể hiện trong dự thảo mới nhất. Chẳng hạn, dự thảo mới đề cao hơn trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách người đứng đầu CP theo hướng Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước nhân dân.

Chính phủ kiên trì kiến nghị nhiều nội dung ảnh 1

Chính phủ đề nghị HP không quy định thu hồi đất với các dự án phát triển KT-XH.Trong ảnh: Thu hồi đất thi công các dự án nhà ở tại Nam Sài Gòn. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều kiến nghị chưa được tiếp thu. Ví dụ: Kiến nghị không quy định CP là cơ quan “chấp hành” của QH, để đảm bảo tính độc lập tương đối của nhánh hành pháp với tính chất là trung tâm đề xuất, kiến tạo chính sách. Kiến nghị chỉ quy định ngắn gọn nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không gắn thêm “nền tảng liên minh giai cấp...”.

Đáng chú ý, CP có kiến nghị khá mạnh mẽ về bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền cơ bản của công dân, theo hướng các quyền này được bảo đảm thực hiện bằng HP, luật và “chỉ có thể bị hạn chế bằng luật”. Tuy nhiên, nội dung này đến nay bị rút khỏi dự thảo khiến nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ một số quyền cơ bản có thể bị hạn chế tùy tiện bởi văn bản dưới luật.

Tương tự, CP - gắn trực tiếp nhất tới quản lý đất đai - đề nghị HP không quy định thu hồi đất với các dự án phát triển kinh tế-xã hội, tức cơ bản giữ nguyên như HP 1992. Đề nghị này phản ánh tâm tư lo lắng của nhiều người dân cũng như giới chuyên gia khi góp ý HP. Tuy nhiên, dự thảo mới nhất chưa tiếp thu.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết việc góp ý Dự thảo sửa đổi HP đã được kéo dài tiếp từ sau 31-3 đến hết tháng 9, nên CP sẽ tiếp tục kiên trì các kiến nghị đã gửi tới Ủy ban Dự thảo HP, góp phần hoàn thiện dự thảo trước khi trình QH thông qua tại kỳ họp tháng 10.

Không còn hai phương án tên nước

Dự thảo sửa đổi HP sau khi xin ý kiến Hội nghị Trung ương 7 đã được đưa ra Ủy ban Thường vụ QH thảo luận ngày 16-5. So với dự thảo tiếp thu ý kiến nhân dân của Ủy ban Dự thảo HP đã được Pháp Luật TP.HCM giới thiệu tháng trước (dự thảo ngày 11-4, trước khi báo cáo Bộ Chính trị để trình Trung ương), bản mới nhất có khá nhiều thay đổi.

Chẳng hạn, không còn phương án trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; không còn phương án diễn đạt ngắn gọn nhất về vai trò lãnh đạo của Đảng mà tiếp tục thể hiện bản chất của Đảng như Cương lĩnh; không còn phương án về quyền phúc quyết của dân đối với HP.

Đáng chú ý, cơ chế bảo vệ HP không còn phương án mở rộng quyền cho Hội đồng HP (không còn quyền kết luận về tính hợp hiến của văn bản bị nghi ngờ vi hiến). Đồng thời, xuất hiện thêm phương án không hiến định thiết chế bảo hiến chuyên trách nữa (Hội đồng HP), mà tập trung hoàn thiện các cơ chế bảo vệ HP hiện hành (thông qua các ủy ban của QH thẩm tra dự án luật và các cơ quan nhà nước khác trong công tác bảo đảm tính hợp hiến khi ban hành văn bản).

Dự thảo này đang tiếp tục được hoàn thiện để chính thức trình QH tại kỳ họp khai mạc ngày 20-5 tới.

QH có thể sẽ thảo luận về tên nước

Họp báo ngày 17-5 về kỳ họp QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp này QH sẽ nghe báo cáo về tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân về HP. Trong kết quả này, vấn đề tên nước có ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến kiến nghị trở lại với tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Tên nước CHXHCN Việt Nam đã sử dụng từ năm 1976, phù hợp với định hướng, con đường đi lên CNXH. Đến nay chúng ta đã có quan hệ với khoảng 200 nước và tên gọi CHXHCN Việt Nam không có ảnh hưởng gì cả. Tuy nhiên, vì còn ý kiến khác nhau nên QH vẫn có thể thảo luận” - ông Phúc cho biết.

THÀNH VĂN

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm