Chính phủ: Giữ Ba Vì, giữ "trục"! Đại biểu: Bỏ ý định đó đi!

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân:

Chuyển bộ, ngành chứ không phải dời đô

Chính phủ: Giữ Ba Vì, giữ "trục"! Đại biểu: Bỏ ý định đó đi! ảnh 1
Hiến pháp, Pháp lệnh Thủ đô đều quy định Hà Nội là “đầu não chính trị-hành chính quốc gia”. Quan điểm của Chính phủ cho rằng toàn bộ thủ đô Hà Nội (theo ranh giới hành chính) là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia của cả nước. Không có khái niệm trung tâm hành chính quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong thủ đô và càng không thể có chuyện dời đô như một số ý kiến còn băn khoăn đặt câu hỏi.

Ba Đình là trung tâm chính trị nhưng nơi đây không có điều kiện xây dựng tập trung tất cả trụ sở của các cơ quan đầu não của bộ máy hành chính quốc gia, cho nên phải bố trí ở những khu vực khác nhau trong TP Hà Nội. Liên danh tư vấn đã đề xuất nhiều vị trí khác nhau nhưng Chính phủ thấy rằng về quy hoạch không gian, hạ tầng, môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên, đất đai... thì Ba Vì hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện là nơi làm việc của các cơ quan hành chính trong tương lai.

Ba Vì trong ý tưởng quy hoạch chung lần này chỉ là nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ sau năm 2050. Trụ sở các bộ, ngành ở Mỹ Đình không nhất thiết sau này cũng phải chuyển đi nếu không có nhu cầu.

Trục Thăng Long là hết sức cần thiết. Bên cạnh chức năng giải quyết các vấn đề về giao thông và hành lang hạ tầng kỹ thuật, nó còn tạo đặc trưng và điểm nhấn về không gian kiến trúc mới cho thủ đô Hà Nội. Ý tưởng của tư vấn là thể hiện không gian kiến trúc cảnh quan kết nối văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Một số ý kiến nêu trục Thăng Long là trục tâm linh hay trục hoàng đạo là không đúng với ý tưởng của đồ án.

Chính phủ: Giữ Ba Vì, giữ "trục"! Đại biểu: Bỏ ý định đó đi! ảnh 2

Dọc trục Thăng Long sẽ được xây dựng và kiểm soát quỹ đất hai bên đường để tạo ra quần thể kiến trúc đô thị hiện đại cho thủ đô. Các dự án nơi có trục Thăng Long đi qua sẽ được quy hoạch lại để phù hợp với mục tiêu phát triển chung của TP. Trước mắt cần phải kiểm soát bảo vệ quỹ đất và hành lang cho phát triển tuyến đường này trong tương lai, tránh để cho các dự án đầu tư không đúng mục đích sẽ ảnh hưởng tới công tác di dời, giải phóng mặt bằng…

VĂN TIẾN

Chiều 29-5-2008, hơn 92% đại biểu QH đã bấm nút thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Theo nghị quyết này, với việc hợp nhất toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92 km2 với dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn.

Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thì di dời các cơ quan hành chính quốc gia trong phạm vi hơn 3.300 km2 của Hà Nội mở rộng đều không thể gọi là dời đô.

Đại biểu “phản pháo”

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:

Dời bàn thờ 1 m cũng là chuyện đại sự!

Tôi rất mừng vì Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã nói là không có chuyện phân biệt trung tâm hành chính với trung tâm chính trị và không có chuyện dời trung tâm hành chính lên Ba Vì. Nhưng tôi thấy Bộ trưởng hình như vẫn chưa dứt khoát, vẫn lưu luyến cái ý định cũ. Điều ấy thể hiện ở chỗ Bộ trưởng lập luận lấy phạm vi Hà Nội làm ranh giới cho trung tâm hành chính, ranh giới hành chính lên tận Ba Vì, chuyển lên đấy là chuyển trong phạm vi Hà Nội chứ không phải là chuyển. Tôi xin nói lập luận như thế không được, bởi vì ngay trong nhà mình dời bàn thờ đi khoảng 1 m là cũng thành vấn đề đại sự rồi.

Về trục Thăng Long, tôi cho là “trục lãng phí” vì nó cách đường Láng-Hòa Lạc, đường 32 chỉ 4 km. Một trong những lý do Chính phủ đưa ra là để phát triển giao thông. Tôi xin nhắc lại, báo cáo về đường sắt cao tốc cũng của Chính phủ nói rằng chúng ta có một khuyết điểm là đã tập trung quá đáng vào phát triển giao thông đường bộ. Nhưng khi muốn làm trục Thăng Long thì Chính phủ lại nói phải phát triển giao thông. Tôi không biết sự thống nhất đó trong Chính phủ như thế nào.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội):

Nên bỏ hẳn ý định dời đô

Về việc dời đô, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã giải thích rằng đấy chỉ là khu dự trữ để sau năm 2050 sẽ đưa các dự án, các công trình của các bộ, ngành mở rộng lên trên đó. Nhưng tôi đồng tình với ĐB Thuyết là không nên tiếc thương mà nên dứt khoát bỏ ý định đó đi. Hãy coi đấy cũng là một khu đất dự trữ, khu đất hành lang xanh hay là đất nông nghiệp để tránh được những biến động giá cả về đất đai như vừa qua.

Tôi xin hỏi, tại sao bên cạnh bảy trục hướng tâm đã có như đường 32, trục Bắc-Nam, trục đường 5, trục Láng-Hòa Lạc…, trục Thăng Long lại được coi là điểm nhấn? Việc đưa ra trục này chỉ khiến các nhà đầu tư lợi dụng đẩy giá đất lên cao. Đề nghị bỏ trục này đi, coi đó như một con đường bình thường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung:

Bền vững nhất là phải dựa vào dân

Nếu giải thích như của Bộ trưởng nêu thì Ba Vì cũng là thủ đô sao? Chuyển cơ quan hành chính lên Ba Vì là xa dân, làm phát sinh chi phí trong quản lý, điều hành. Nếu nói đất dựa núi là bền vững, ông cha ta đã lên lâu rồi. Bền vững nhất là phải dựa vào dân, hành chính phải gắn với dân mới là chỗ dựa vững chắc. Có những nước người ta xây cung điện 500 năm nay mà chính phủ, QH, nhà vua người ta vẫn ở đấy và dân vẫn đến du lịch, tham quan...

Xây dựng trục Thăng long cũng là quá lãng phí. Ta đã nghèo mà còn chơi sang. Tính sơ sơ trục này tốn 10 km2 đất, trong khi đó đất đang chật, người lại đông. Nói trục Thăng Long là hướng giao lưu thì ai lên đó làm gì vì đó là đường cụt.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM):

Tiếp tay cho đầu cơ đất

Vì sao không chọn Mỹ Đình làm nơi đặt các cơ quan bộ, ngành mà phải lên tận chân núi Ba Vì? Tôi nghĩ rằng nếu cái gì dự kiến đến sau 40-50 năm nữa mới làm thì đất dự trữ tốt nhất là đất nông nghiệp và bây giờ không bàn nó làm gì, bàn cái đó chỉ ảnh hưởng đến đầu cơ đất! Tôi cũng không nghĩ rằng trong tương lai 40-50 năm nữa, bộ máy hành chính phình ra tới mức khu Mỹ Đình không đủ mà phải lên Ba Vì, thành ra chúng ta không nên vội vàng như vậy.

Dường như vì có hành chính ở Ba Vì nên mới đẻ ra trục Thăng Long? Nếu không dời trung tâm hành chính nữa thì có hình thành trục đó không, tôi kiến nghị nên xem vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm