Chỉ là hình thức

Đây là một trong những nội dung của dự thảo đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Theo đó, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số ĐBQH hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cũng cho rằng “việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một hình thức nhắc nhở các vị kiện toàn, tăng cường chỉ đạo điều hành hiệu quả hơn”.

Cơ sở tiên quyết cho bất kỳ một cuộc đánh giá khoa học, khách quan là lợi ích của người đánh giá và lợi ích của người bị đánh giá phải hoàn toàn độc lập. Bởi nếu hai lợi ích này đan xen và phụ thuộc nhau, nó sẽ bẻ cong quan điểm đánh giá của người đánh giá và mục đích đánh giá đương nhiên không đạt được.

Trong hoạt động của các cơ quan dân cử ở nước ta chứa đựng những yếu tố dẫn đến sự hoài nghi về tính độc lập của các đại biểu. Chúng ta thấy hầu hết các chủ tịch tỉnh và bộ trưởng đều có mặt trong các đoàn ĐBQH. Về nguyên tắc, đây là các chức danh của nhánh hành pháp và nếu họ lại làm công việc đánh giá tín nhiệm của một quan chức hành pháp thì kết quả đạt được không có cơ sở để coi là khách quan.

Ông chủ tịch tỉnh kiêm ĐBQH nào sẽ nói không với một bộ trưởng Tài chính khi mà ngân sách hoạt động của bộ máy ông đang điều hành đều do vị bộ trưởng này phân bổ? Vị bộ trưởng kiêm ĐBQH nào sẽ nói không với một bộ trưởng khác khi họ là đồng nghiệp chạm mặt nhau thường xuyên và phụ thuộc lẫn nhau trong rất nhiều hoạt động? Và vị phó chủ tịch tỉnh kiêm ĐBQH nào sẽ nói không với chủ tịch tỉnh mình khi lợi ích của họ khăng khít với nhau như hình với bóng?

Rõ ràng bỏ phiếu tín nhiệm sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn khi các cơ quan dân cử chưa được bóc tách khỏi các lợi ích với cơ quan hành pháp và tư pháp để trở nên thực sự độc lập.

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm