Cha và con ở Trường Sa

Đó là cuộc hội ngộ hiếm có, kỳ diệu giữa hai cha con Trung tá Bùi Xuân Lệ, hiện công tác tại Vùng 4 Hải quân và Chuẩn úy Bùi Trọng Luật tại Trường Sa.

Hội ngộ giữa Trường Sa

Năm 2004, ba ngày sau khi nhận quyết định đi Trường Sa, chiến sĩ Bùi Trọng Luật lên tàu đến điểm B đảo Phan Vinh (đảo chìm), cách nơi ba Lệ đóng quân hơn ba hải lý (khoảng 6 km). Ngày đó, thông tin liên lạc còn hạn chế nên anh Lệ chỉ nhận được tin con tới điểm B đảo Phan Vinh cách đó ít giờ. Khi xuồng vừa tiếp cận cầu cảng, Luật đã nhận ra cha nhưng không thể hét lớn thành lời. Trong lúc anh Lệ đi bắt tay chào chiến sĩ mới đến đảo, khi ngước mặt lên nhìn, anh không khỏi ngỡ ngàng khi trước mặt mình là... cậu con trai đã trưởng thành. Hai cha con gặp nhau chỉ được hơn một ngày, Luật phải tới điểm B đảo Phan Vinh.

Giữa năm 2009, Luật tiếp tục xung phong ra công tác tại đảo Sinh Tồn Đông. Hai cha con lại có dịp hội ngộ giữa trùng khơi. Anh Lệ tâm sự: “Từ ngày Luật gia nhập quân đội đã sáu năm, chưa bao giờ gia đình ăn tết có mặt đầy đủ cha con. Mẹ tôi vừa mất cách đây đúng một tháng. Ngày nhận được tin, hai cha con chỉ biết ôm nhau khóc vì điều kiện đặc biệt không thể về đất liền”...

Cha và con ở Trường Sa ảnh 1

Cha con Trung tá Bùi Xuân Lệ, chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông.

Dấu chân ba in khắp biển đảo

Trong hành trình tới các đảo ở Trường Sa, chúng tôi được rất nhiều chiến sĩ gửi lời thăm hỏi Trung tá Lệ ở đảo Sinh Tồn Đông. Điều này cũng dễ hiểu, bởi dấu chân anh Lệ đã in khắp 21 đảo và 32 điểm đảo trong suốt 16 năm qua.

“Sắp tới tôi có thể đi đảo một thời gian nữa, sau đó tính tới chuyện nghỉ ngơi. Gần 30 năm biền biệt xa vợ con rồi!” - anh Lệ chia sẻ. Hình như nhắc đến từ “vợ”, anh lại tiếp lời: “Lấy chồng bộ đội Trường Sa, vợ phải là trụ cột thứ hai trong gia đình, anh ạ. Hồi con gái tôi bị u não cách đây gần 10 năm, tôi vẫn phải ở đơn vị công tác trong lúc một mình vợ phải xoay xở tất. Có lẽ chỉ khi nghỉ hưu tôi mới có cơ hội chăm sóc gia đình nhiều hơn”.

Tuổi trẻ con ở đảo xa

Từ năm 1994 đến nay, anh Lệ ở Trường Sa khoảng tám năm trong sáu đợt ra công tác. Mỗi đợt công tác kéo dài 1-2 năm. Khoảng ấy thời gian với anh Lệ là một sự thay đổi lớn ở Trường Sa. Trường Sa hôm nay gần hơn rất nhiều. Trên các đảo đã có sóng điện thoại, thậm chí chiến sĩ cũng dùng Internet. Nhiều nơi đã dùng năng lượng sạch. Cây xanh, hệ thống cơ sở hạ tầng, đời sống anh em đã thay đổi hẳn.

Chưa đầy 27 tuổi nhưng Chuẩn úy Bùi Trọng Luật đã có thâm niên hơn bốn năm gắn bó với Trường Sa. Sau khi bước vào con đường binh nghiệp được chín tháng, Luật được phân công ra làm nhiệm vụ ở đảo chìm Phan Vinh B, quần đảo Trường Sa.

Lần đầu tiên khi đặt chân tới một đảo chìm, Luật không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng với đất liền. Đảo chìm hiện lên như một căn nhà giữa biển cả mênh mông, không cây cối… Ngoài công việc chuyên môn, mỗi chiều Luật lại theo chân đồng đội đi đánh cá, tăng thêm nguồn thực phẩm cho đơn vị. “Mỗi sớm ngắm bình minh lên, nghe quốc ca… cảm giác trong tôi thật đặc biệt. Tôi thấy lòng mình ngập tràn niềm tự hào là người góp phần mình bảo vệ biển đảo của Tổ quốc” - Luật chia sẻ.

Giữa năm 2007, Luật lại xung phong ra Trường Sa, công tác 18 tháng tại đảo chìm Đá Đông. Tháng 7-2009, Luật tiếp tục đi “tăng ba”, làm nhân viên thông tin tại đảo Sinh Tồn Đông. Dạo bước cùng tôi trên đảo Sinh Tồn Đông lúc hoàng hôn ngả màu xuống biển cả, đôi mắt Luật thoáng chút tâm trạng: “Yêu nhau chưa đầy… mười ngày, chúng tôi phải xa nhau. Tôi trở lại với Trường Sa, dự kiến đợt công tác này khoảng một năm”. Người yêu Luật là giáo viên trung học cơ sở ở quê nhà (Thái Bình), họ dự kiến sẽ thành hôn vào dịp giữa năm nay khi Luật được nghỉ phép.

Hoàng hôn xuống, sóng trên đảo Sinh Tồn Đông vẫn cồn cào. Ngày mai cha về với gia đình, Luật ở lại với Sinh Tồn Đông. Lúc xuồng dần rẽ nước rời cầu cảng, anh Lệ kiễng chân và ngoảnh lại nhắn nhủ: “Ở lại cố gắng công tác tốt nha con. Ba sẽ trở lại với Trường Sa!”.

VŨ TRẦN ĐẠI

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.