GÓP Ý SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HIẾN PHÁP 1992

Cần hiến định quyền tư pháp độc lập

Hiến định rõ quyền tư pháp độc lập của tòa án và đề nghị chấm dứt quyền kiểm sát xét xử của VKS để thay thế bằng cơ chế kiểm soát khác phù hợp hơn.

Các đại biểu còn kiến nghị sửa đổi hàng loạt các quy định chưa phù hợp của Hiến pháp.

Bãi bỏ quyền kiểm sát xét xử của VKS?

Cần hiến định quyền tư pháp độc lập ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng VKSND có quyền công tố, vừa có quyền kiểm sát xét xử thì liệu có ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án. Ảnh minh họa: HTD

Theo PGS-TS Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND Tối cao: Về mặt lý luận thì nhiều quốc gia trên thế giới đều coi quyền tư pháp là quyền xem xét và phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp. Nhưng trong Hiến pháp 1992 vẫn chưa xác định tòa án là cơ quan tư pháp độc lập duy nhất, mà chỉ quy định (Chương X Điều 127) “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam” nên chưa thể hiện chính xác, đầy đủ các quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thậm chí, trong thực tiễn thì các cơ quan tư pháp thường được hiểu bao gồm: TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Điều này không đúng! Nếu không làm rõ nội hàm những quyền cơ bản thì sẽ khó xây dựng các thiết chế và cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Vì vậy, lần sửa đổi Hiến pháp này cần hiến định rõ tòa án là cơ quan tư pháp duy nhất, thực hiện quyền tư pháp độc lập đó là xét xử. Như vậy, các hệ thống cơ quan tư pháp chỉ bao gồm: TAND Tối cao, các TAND, các tòa quân sự và các tòa án khác do luật định.

Còn VKSND chỉ là cơ quan tham gia hoạt động tư pháp, chủ yếu thực hiện chức năng công tố. Cơ quan điều tra, thi hành án cũng thuộc nhóm cơ quan hành pháp. Ngay cả Bộ Tư pháp về tên gọi là như thế nhưng thực ra cũng không có quyền tư pháp (phán quyết) mà chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về một số lĩnh vực liên quan trong hoạt động tư pháp (luật sư, thi hành án dân sự…).

Nếu xác định rõ và bảo đảm quyền tư pháp độc lập thì cũng phải xem xét lại chức năng kiểm sát xét xử của VKS vì rất bất hợp lý: Cơ quan này là một bên tham gia tố tụng nhưng vừa có quyền công tố, vừa có quyền kiểm sát xét xử. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án. Vì thế, nhiều chánh án các tòa địa phương bày tỏ không đồng tình về vai trò hiện hành của VKSND mà đề nghị chuyển hẳn VKSND thành cơ quan thực hành quyền công tố. Còn nếu tiếp tục duy trì chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp thì nên giới hạn trong phạm vi kiểm sát hoạt động điều tra, thi hành án… Nếu để kiểm sát hoạt động xét xử thì phải xây dựng cơ chế riêng phù hợp hơn.

Lập hội đồng bảo hiến

Theo chánh án TAND Tối cao, điều kiện hiện nay chưa chín muồi để thành lập tòa án hiến pháp. Việc giao cho TAND Tối cao có chức năng phán xét tính hợp hiến hay chức năng bảo vệ hiến pháp là chưa phù hợp. Ông Bình đề xuất nghiên cứu thành lập hội đồng bảo hiến. Hội đồng bảo hiến có thẩm quyền xem xét cả việc bảo vệ hiến pháp và giám sát các hoạt động vi hiến của các cơ quan nhà nước.

Hội đồng bảo hiến do Chủ tịch nước đứng đầu, các thành viên gồm đại diện các cơ quan lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (tòa án) và một số đại diện do Quốc hội bầu. Hội đồng bảo hiến có thẩm quyền: Xem xét tính hợp hiến của văn bản pháp luật, nếu thấy không hợp hiến thì trình Quốc hội xem xét; ban hành nghị quyết bãi bỏ văn bản dưới luật không hợp hiến và ra quyết định tạm đình chỉ thi hành, chờ Quốc hội xem xét.

Kiến nghị sửa đổi những quy định bất cập

Chánh tòa Kinh tế TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Tạ Quốc Việt cho rằng hệ thống tổ chức tòa án và thẩm quyền xét xử theo đơn vị hành chính như hiến định hiện hành cũng không hợp lý, gây khó khăn, lúng túng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp “tổ chức tòa án theo thẩm quyền và cấp xét xử”. Đồng thời, dễ bị tác động từ chính quyền địa phương, ảnh hưởng nguyên tắc độc lập xét xử.

Nguyên tắc xét xử tập thể (Điều 131) cũng đã hạn chế việc xét xử theo thủ tục rút gọn (chỉ có một thẩm phán xét xử).

Ngoài ra, Hiến pháp năm 1992 quy định về thành lập tòa án đặc biệt cũng cần sửa đổi. Bởi lẽ việc thành lập tòa án đặc biệt chỉ phù hợp với thời kỳ chiến tranh, khi hệ thống tòa án còn non trẻ. Đến nay, hệ thống TAND đã lớn mạnh, đủ năng lực xét xử tất cả loại án thì thành lập tòa án đặc biệt là không cần thiết.

Ngoài ra, cũng nên bãi bỏ quy định về tổ chức hòa giải cơ sở trong Hiến pháp 1992. Vì đây không phải là thiết chế tư pháp mà là thiết chế hành chính, xã hội. Hòa giải cơ sở nên quy định bằng luật riêng, nếu thấy cần thiết phải duy trì tổ chức này ở mức độ hiến định thì chuyển về chương khác, không thể để ở chương tư pháp.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm