NÂNG CHẤT CÁN BỘ BẰNG THI TUYỂN CẠNH TRANH

Cần có quy hoạch mềm trong công tác cán bộ

Như đã đề cập trong số báo trước, một trong những cách để nâng chất cán bộ là thực hiện thi tuyển cạnh tranh (TTCT). Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay cho việc TTCT các chức danh chính là công tác quy hoạch cán bộ. Vậy làm sao để giải quyết hợp lý vấn đề này?Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số ý kiến chuyên gia gợi mở vài giải pháp.

Xóa bỏ biên chế cứng

Điểm mấu chốt gây ra nhiều khó khăn cho công tác tổ chức cán bộ của chúng ta hiện nay chính là vấn đề quy hoạch cứng. Điều này làm hạn chế tính linh hoạt trong công tác tổ chức cán bộ. Do đó, hễ cứ thay đổi trong hệ thống biên chế cứng hiện nay, chẳng hạn như việc thi tuyển các chức danh, là sẽ gây ra xáo trộn ngay.

Trong khi đó, đòi hỏi của cơ chế thị trường là phải hết sức linh hoạt, tuân thủ theo các quy luật cạnh tranh, cung - cầu và giá trị sức lao động. Vì vậy để phù hợp với quy luật phát triển, Đảng cần phải hình thành quy hoạch mềm trong công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo công tác cán bộ ở tầm chiến lược, quy hoạch mang tính định hướng; đề ra những tiêu chuẩn để tạo nguồn cán bộ. Theo đó, trung ương chỉ quyết định những cán bộ chủ chốt như bí thư, chủ tịch cấp tỉnh, bộ trưởng,… và phải tiến hành phân cấp mạnh mẽ việc tuyển chọn nhân sự cho cấp cơ sở để phù hợp với tình hình địa phương của mình.

Cần có quy hoạch mềm trong công tác cán bộ ảnh 1

Các thí sinh chuẩn bị vào cuộc thi tuyển công chức tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Song song đó thì cần phải có cơ chế quy trách nhiệm người đứng ra tổ chức cán bộ. Anh được quyền tổ chức cán bộ thì anh cũng phải có trách nhiệm với chất lượng của đội ngũ cán bộ mình. Nếu lực lượng anh kém thì anh phải nhận hình thức xử lý trách nhiệm trước trung ương và pháp luật.

Ngoài ra, Đảng phải tiến hành đổi mới thể chế bầu cử dân chủ bằng hình thức tranh cử, tranh tài để cử tri căn cứ chương trình tranh cử của ứng viên mà lựa chọn phù hợp. Cơ chế ấy sẽ góp phần làm xuất hiện người tài cho bộ máy nhà nước, hạn chế những phần tử cơ hội, luồng lách, leo cao làm tha hóa bộ máy của ta.

Một điều cần phải quan tâm giải quyết hiện nay là muốn có người tài thì phải có cơ chế trả lương phù hợp theo quy luật giá trị sức lao động. Chính cơ chế ấy tạo ra sự kích thích để cán bộ rèn giũa, nâng chất cho mình, phục vụ tốt hơn và cũng chính nó sẽ góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy công quyền hiện nay.

Ông NGUYỄN KIM ĐĨNH, nguyên chuyên viên cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương

Tuyển người giỏi, đào tạo theo yêu cầu sử dụng

Đảng cần phải mạnh dạn đổi mới phương thức tìm kiếm hiền tài cho quốc gia và xem đó như vấn đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển bền vững của chế độ, của đất nước. Muốn có cán bộ thật sự hiền tài thì phải tiến hành thi tuyển theo yêu cầu của từng cấp, tương tự như thi học sinh giỏi cấp quận, cấp tỉnh/thành, cấp quốc gia. Cụ thể, Đảng và Nhà nước nên lựa chọn phương thức thi tuyển với tiêu chuẩn khắt khe. Những người được lựa chọn phải thực sự là người có trình độ, có năng lực, có kiến thức, có đức độ phù hợp với từng vị trí yêu cầu của công việc dự kiến sẽ bố trí.

Sau khi đã qua vòng thi tuyển, họ sẽ được đào tạo về lĩnh vực ngành nghề sẽ bố trí công việc. Việc đào tạo này là chuyên sâu từ yêu cầu của cương vị họ sẽ đảm trách dựa trên trình độ, năng lực, sở trường của mỗi người. Như vậy, họ không phải chỉ được đào tạo tại trường còn phải được đào tạo thực tế tại nơi họ sẽ phải đảm nhiệm chức vụ và thông qua một bảng đánh giá khắt khe. Chính việc tuyển chọn từ đầu và thông qua đào tạo theo yêu cầu này, những người trúng tuyển có thể làm trợ lý, làm ủy viên, làm quản lý để sau này giữ vị trí trọng trách.

TS LÊ VĂN IN, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM

MINH CƯỜNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm