Cần cảnh giác với lợi ích nhóm

Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XIII sẽ ra mắt trong vài ngày tới với rất nhiều trọng trách được nhân dân kỳ vọng. Vậy điều gì mà các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước nên lưu ý? Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, GS Đinh Văn Mậu, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia (ảnh), nói:

Nhìn khái quát từ Đại hội VI đổi mới năm 1986 đến nay, nhiệm kỳ vừa rồi là giai đoạn chuyển mạnh nhất từ bao cấp, kế hoạch hóa tập trung sang thị trường. Ở lúc giao thời nhất nên những bất cập trong năng lực của bộ máy quản lý hành chính cũng bộc lộ rõ nhất, mà điển hình là đổ vỡ Vinashin, bức xúc của xã hội trước vấn nạn tham nhũng và sự xuất hiện của các nhóm lợi ích đang tác động vào quá trình hoạch định chính sách của các cơ quan công quyền…

Bị tác động mạnh mẽ

. Nói vậy thì thời gian vừa qua cũng là lúc bộ máy quản lý nhà nước chịu tác động mạnh nhất từ các nhóm lợi ích, thưa ông?

Cần cảnh giác với lợi ích nhóm ảnh 1
+ Sở hữu tài nguyên nói chung vẫn toàn dân nhưng thặng dư từ khai thác tài nguyên bằng cách này, cách khác rơi vào túi cá nhân. Các cá nhân đó dần hình thành những nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích với mục đích tích lũy tư bản tác động vào bộ máy quyền lực để chính sách ra đời phù hợp với lợi ích nhóm mình. Quản lý nhà nước không đủ sức kiểm soát các nhóm lợi ích thì chính sách ban hành thay vì mục đích chính phục vụ toàn dân lại nghiêng sang nhóm thiểu số.

Nhập Hà Tây vào Hà Nội, lập quy hoạch Hà Nội mở rộng có thể là cần thiết cho một giai đoạn phát triển mới. Nhưng quá trình ấy, người dân lo ngại có sự tác động của các nhóm lợi ích. Bởi rõ ràng bằng quyết định ấy, đất từ chỗ không làm được gì bỗng trở nên có giá và những dự án đón gió có lợi nhuận kếch xù.

. Quan hệ giữa nhóm lợi ích với quản lý nhà nước thể hiện thế nào?

+ Trước hết là nó kích thích hoạt động quản lý. Vì có lợi ích là có nhu cầu quản lý nhà nước. Nhưng quản lý yếu kém, thiếu công khai minh bạch, thiếu giám sát thì ngay lập tức xuất hiện sự thông đồng, móc ngoặc giữa người có quyền quản lý và nhóm lợi ích. Trong xã hội có nhiều nhóm lợi ích, song quy tụ lại có hai loại: nhóm nắm quyền lực kinh tế và nhóm nắm quyền quản lý nhà nước - quyền lực công mà người dân trao cho. Hai nhóm ấy luôn có xu hướng tương tác lẫn nhau.

Cần cảnh giác với lợi ích nhóm ảnh 2

Trong lĩnh vực thủy điện, nhà đầu tư chỉ biết xây dựng cho rẻ, trong khi lợi ích về môi trường, điều tiết lũ... bị xem nhẹ. Ảnh minh họa: CTV

Nhìn về bề nổi, kinh tế tăng trưởng, đường sá, cầu cống được xây dựng, những khu đô thị mới mọc lên là biểu hiện sự thành công về kinh tế. Nhưng ẩn chứa trong lòng là bất bình đẳng trong phân bổ lợi ích từ tăng trưởng, là nhóm thiểu số tham nhũng, móc ruột được từ những dự án ấy… Không đủ sáng suốt, mạnh mẽ trước tác động của các nhóm lợi ích, quản lý nhà nước trở nên quan liêu.

. Xây dựng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực là điểm nhấn của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua. Nhưng ở lĩnh vực thủy điện, quản lý đa ngành vẫn yếu kém. Liệu ở đây có yếu tố lợi ích nhóm?

+ Tôi nghĩ đây cũng là ví dụ về khả năng điều tiết lợi ích hài hòa giữa các nhóm. Nhà đầu tư chỉ cần biết xây dựng cho rẻ, phát điện cho nhiều trong khi lợi ích về môi trường, nông nghiệp, điều tiết lũ, chống hạn cho hạ lưu bị xem nhẹ. Ở khía cạnh khác, quản lý nhà nước không xử lý được quan hệ lợi ích, dẫn tới có trường hợp nhà máy điện tư nhân xây dựng xong nhưng ông điện độc quyền nhà nước lại không chịu nâng cấp mạng lưới để mua điện từ nguồn phát.

Ngoài loạn quy hoạch thủy điện còn có nạn đua nhau quy hoạch sân bay, sân golf. Người dân chưa cảm nhận được lợi cho đa số thì đã thấy rõ những chủ đầu tư, doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ các dự án này.

Tăng tính độc lập cho cơ quan kiểm soát quyền lực

. Nhóm lợi ích là hiện tượng khách quan và trong quá trình phát triển sẽ hình thành ngày càng nhiều. Nhưng làm thế nào để kiểm soát mặt trái của quan hệ nhóm lợi ích với quyền lực công?

+ Nghị quyết Đại hội XI đã đưa vào được nội dung kiểm soát quyền lực. Đây là một công cụ để hạn chế mặt tiêu cực, tha hóa của quyền lực.

Nhưng chỉ có thể dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Cho nên bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới phải tăng cường tính độc lập của các cơ quan kiểm soát quyền lực với quyền lực mà nó kiểm soát. Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm sát, tòa án… đều là các thiết chế kiểm soát quyền lực. Những cơ quan ấy phải được độc lập thì mới có thể thực thi được trách nhiệm của mình.

Quyền hành pháp không hẳn cao nhất nhưng trội nhất, chịu sự tác động trực tiếp nhất từ các nhóm lợi ích. Vì thế, quyền lực nhà nước cần được kiểm soát nhất là hành pháp. Kiểm soát được quyền lực sẽ giúp kiểm soát được hành vi quản lý để hành vi đó hướng tới lợi ích của đa số chứ không phải của nhóm thiểu số.

“Quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp giữa hành pháp, lập pháp, tư pháp” được ghi trong Nghị quyết của Đảng từ năm 1991 nhưng phải 10 năm sau mới được thể chế trong Hiến pháp 1992. Vì thế, “kiểm soát quyền lực” được ghi trong Nghị quyết Đại hội XI có thể sẽ mất thời gian dài để được luật pháp hóa. Nhưng tôi cho rằng ngay từ nhiệm kỳ này, chính quyền phải khởi động ngay, nếu không sẽ tiếp tục đối mặt với mặt trái của quyền lực không được kiểm soát.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm