Cải cách thủ tục hành chính: Cản ngại từ cấp thừa hành

Cải cách thủ tục hành chính: Cản ngại từ cấp thừa hành ảnh 1

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai ngày càng được rút gọn nhưng vẫn còn những bất cập trong quản lý. Trong ảnh: Người dân đang làm thủ thục giấy tờ nhà đất tại UBND quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: HTD

“Việc cải cách thủ tục hành chính tạo nhiều chuyển biến tích cực, tạo cơ sở cho việc xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước…” - các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận định sau khi nghe Chính phủ và đoàn giám sát của QH báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp (gồm bốn nhóm: đất đai, nhà ở và xây dựng nhà ở, thuế, hải quan) ngày 28-9.

Chưa đạt yêu cầu

“Những thủ tục rườm rà, chồng chéo, sơ hở, dễ bị lợi dụng, những giấy tờ không cần thiết, không còn phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và công dân được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng nhận xét bên cạnh nhiều thủ tục hành chính được đơn giản tốt cũng có không ít thủ tục (nhất là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở) còn “phức tạp, chưa thật thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tính công khai, minh bạch chưa được bảo đảm”.

Đoàn giám sát nhận định việc phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành. Nhiều địa phương yêu cầu công dân nộp nhiều giấy tờ không cần thiết, trái quy định của pháp luật khi họ đụng việc với cơ quan hành chính…

Theo ông Thuận, một số địa phương tuy đã thành lập bộ phận một cửa thuộc UBND cấp huyện để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả nhưng thực tế vẫn chưa bảo đảm yêu cầu “một cửa” vì người dân vẫn phải tự đến kho bạc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trường hợp nộp hồ sơ tại xã và xã chuyển hồ sơ cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất qua bộ phận một cửa (việc làm này có tính chất trung gian, xã làm thay việc của dân) nhưng khi hợp đồng đo đạc, người dân vẫn phải gặp trực tiếp văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, làm kéo dài thời gian giải quyết.

Ngoài ra, một số địa phương thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai đã thành lập tổ liên ngành giải quyết hồ sơ đất đai, làm thay chức năng của các cơ quan hữu quan, thực hiện công việc không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật, ông Thuận nói.

Công chức phải “sạch”

Khi đánh giá về những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, báo cáo của đoàn giám sát đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố con người. “Cải cách thủ tục hành chính gặp trở ngại không nhỏ bởi những thói quen quản lý theo cơ chế xin-cho và cũng đụng chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cơ quan và cán bộ, công chức. Mức độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu, kỹ năng hành chính và cả đạo đức, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính…” - ông Thuận nói.

Đồng tình với nhận xét này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng: “Dù có quyết tâm chính trị để thay đổi thủ tục nhưng vướng ở đội ngũ thì người dân cũng không thấy được sự thay đổi này”.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên gay gắt hơn: “Con người không “sạch” thì cải cách bằng mấy cũng thừa”. Ông Kiên lấy dẫn chứng từ việc sửa Luật Đấu thầu vừa qua và cho rằng mấu chốt vẫn ở người thực hiện vì “người người lớp lớp đến “chạy” người có thẩm quyền hoặc đấu thầu theo kiểu “quân xanh, quân đỏ”…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói: Dù thủ tục có tốt đến mấy nhưng nếu người thực hiện không đúng thì cũng làm cho thủ tục bị méo mó, biến dạng. Do vậy, ông đề xuất cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, người thi hành công vụ, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì hiến kế là xây dựng cho được cơ chế giám sát để cán bộ công chức làm cho tốt chứ không phải chỉ làm việc vì sợ cấp trên.

Chính phủ đề nghị sửa 48 luật, 12 pháp lệnh

Báo cáo của Chính phủ kiến nghị QH, UBTVQH đưa vào chương trình kỳ họp cuối cùng QH khóa XII thông qua dự án luật sửa khoảng 48 luật, dự án pháp lệnh sửa khoảng 12 pháp lệnh để tạo cơ sở cho Chính phủ sửa đổi khoảng 66 nghị định, 49 thông tư…

Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng đùng một cái sửa 48 luật là không khả thi. Chính phủ phải nói rõ vì sao phải sửa luật “chứ không phải vì dự kiến thay đổi thủ tục do các văn bản dưới luật đang đặt ra mà phải sửa luật” - một thành viên UBTVQH nói.

Họ đã nói

Chính phủ báo cáo là người dân, doanh nghiệp tiết kiệm mỗi năm 30.000 tỉ đồng nhờ cải cách thủ tục hành chính nhưng không nói đội ngũ cán bộ nhà nước tinh giản được bao nhiêu mỗi năm. Ngân sách chi cho hoạt động hành chính tiết kiệm được bao nhiêu không thấy đề cập.

Trưởng Ban Dân nguyện TRẦN THẾ VƯỢNG

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm