Buộc thôi việc nếu để lộ thông tin gây hại người tố cáo

“Luật Tố cáo phải tạo cơ chế hiệu triệu được toàn dân tham gia tố cáo những sai phạm pháp luật. Phải đặt mục tiêu là giải quyết các thông tin tố cáo chứ không phải để trả lời cho người tố cáo…”. Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, nói khi góp ý dự luật Tố cáo ngày 9-6.

Tạo cơ chế tin cậy

Ông Nguyễn Phước Thọ, Văn phòng Chính phủ, cho rằng Luật Tố cáo phải đề cao và bảo vệ quyền tố cáo của công dân. Giá trị của Luật Tố cáo phải là một công cụ tốt để công dân sử dụng dễ dàng, hiệu quả, tin cậy. “Có cơ chế bảo vệ an toàn tính mạng và lợi ích vật chất, tinh thần của người tố cáo cũng như khen thưởng, động viên xứng đáng, kịp thời với người dũng cảm tố cáo việc làm vi phạm pháp luật. Đồng thời, xử lý nghiêm minh đối với việc trả thù người tố cáo hoặc lợi dụng tố cáo để vu hại người khác. Điều này nhất thiết phải thể hiện trong Luật Tố cáo để người dân vững tin khi tố cáo các sai phạm mà không lo ngại bị trù dập, kỳ thị, xa lánh” - ông Thọ nhấn mạnh.

Một trong các biện pháp bảo vệ người tố cáo mà dự luật và tờ trình nêu là sẽ đuổi việc người có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo mà để lộ thông tin, tài liệu có hại cho người tố cáo, nếu gây thiệt hại cho người tố cáo thì phải bồi thường và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Phó thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Tại nêu băn khoăn: “Ở mức độ nào thì cần giữ bí mật cho người tố cáo? Khi chuyển các đơn thư để thực hiện kiểm tra, thanh tra thì giữ bí mật như thế nào? Vì khi nhận thông tin tố cáo, chúng tôi phải chuyển đến cơ quan có liên quan để kiểm tra. Nếu giữ bí mật thì làm sao có thông tin để điều tra mà không giữ bí mật lại vi phạm luật”.

Buộc thôi việc nếu để lộ thông tin gây hại người tố cáo ảnh 1

Hiện nay, đa số người dân ngại tố cáo tham nhũng do các điều kiện bảo vệ người tố cáo chưa được đáp ứng đầy đủ. Trong ảnh: Ông Lê Xuân Mậu là một trong những người tố cáo tham nhũng trong buổi gặp mặt một số cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng tại TP.HCM năm 2010. Ảnh: TTXVN

Lúng túng bảo vệ người tố cáo

Ông Thọ nói: “Thực tế hiện nay người dân không dám tố cáo tham nhũng. Trường hợp của thầy Đỗ Việt Khoa là cá biệt, một “Đông-ky-sốt hiện đại”. Các điều kiện bảo vệ người tố cáo của cơ quan nhà nước hiện nay không đáp ứng được. Ngay cả dự luật Tiếp cận thông tin được cho là đột phá cũng không thông qua được vì gây nhiều áp lực cho cơ quan nhà nước nên rất khó nói đến chuyện đổi mới tư duy để thực hiện đúng tinh thần tố cáo” - ông Thọ phân tích.

Ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho biết ở các nước, khi có tin báo tố cáo, ngay lập tức có cơ quan đến bảo vệ người tố cáo ngay. Họ có cả một khu riêng biệt đảm bảo an toàn cho người tố cáo.

Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng nên có quy định địa chỉ để người tố cáo tìm đến khi bị đe dọa. Có hai nơi đủ thẩm quyền để làm chuyện này là VKSND cấp huyện và UBND phường xã nơi người tố cáo cư trú. “Chúng ta phải thực hiện nguyên tắc người nhận tin phải giữ bí mật thông tin đã. Sau đó quá trình xử lý thông tin như thế nào thì hai bên có thể thỏa thuận để tạo điều kiện cho quá trình kiểm tra, điều tra. Công khai hóa hành vi tố cáo chẳng khác nào triệt tiêu ý định tố cáo của công dân” - vị này cảnh báo...

Các đại biểu cũng bàn về việc tố cáo không có điểm dừng hiện nay và phân vân về quy trình chặt chẽ buộc người tố cáo tuân theo. “Việc này liệu đã thể hiện nguyện vọng, ý chí của dân chưa?” - một đại biểu nói.

Tố cáo nặc danh cũng sẽ được giải quyết?

“Đa số những tố cáo nặc danh có thông tin đúng. Nếu cứ thấy nặc danh là không giải quyết sẽ bỏ sót nhiều vụ việc quan trọng. Để không bỏ lọt việc xử lý các hành vi vi phạm, dự luật Tố cáo nên có quy định linh hoạt theo hướng nếu tố cáo nặc danh nhưng rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở thẩm tra, xác minh… thì phải được xác minh, giải quyết và ngược lại.”

Phó thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo PHẠM VĂN TẠI

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm